Doanh nghiệp xây dựng hé lộ KQKD 2024: Viglacera ước lãi 1.500 tỷ đồng, Vicem tiếp tục lỗ nặng

(Banker.vn) Báo cáo kết quả kinh doanh 2024 cho thấy sự phân hóa rõ rệt tại các doanh nghiệp xây dựng. Viglacera ước lãi 1.500 tỷ đồng, dẫn đầu về lợi nhuận, trong khi Vicem tiếp tục lỗ nặng 1.402 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thua lỗ. Các doanh nghiệp khác như HUD, Lilama, Hancorp đạt lợi nhuận tích cực, bất chấp khó khăn từ thị trường vật liệu và bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo tổng kết năm 2024, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc. Báo cáo nêu rõ, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, tỷ giá ngoại tệ bất ổn và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động của ngành xây dựng, đặc biệt là mảng vật liệu xây dựng và bất động sản.

Doanh nghiệp xây dựng hé lộ KQKD 2024: Viglacera ước lãi 1.500 tỷ đồng, Vicem tiếp tục lỗ nặng
Hình minh họa

Dù thị trường đầy thách thức, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng vẫn ghi nhận kết quả tích cực. Tổng Công ty Viglacera - CTCP (VGC) dẫn đầu với mức lợi nhuận ước đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Viglacera đóng góp 1.400 tỷ đồng. Tổng Công ty HUD cũng đạt kết quả khả quan với lợi nhuận ước tính 386 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt 312 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hancorp đạt lợi nhuận 84 tỷ đồng, với công ty mẹ đóng góp 68 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty Lilama lãi 70 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đóng góp 90 tỷ đồng. Tổng công ty Coma, dù quy mô nhỏ hơn, cũng đạt lãi hơn 14 tỷ đồng, với công ty mẹ đạt gần 17 tỷ đồng.

Ngược lại, ngành xi măng tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn. Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận khoản lỗ 1.402 tỷ đồng trong năm 2024. Mặc dù đã giảm lỗ 177,5 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, đây vẫn là năm thứ hai liên tiếp Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ, sau khi lỗ hơn 1.100 tỷ đồng vào năm 2023, trong đó Công ty mẹ Vicem lỗ gần 237 tỷ đồng trong năm 2024.

Ngành xây dựng Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua, tuy nhiên vẫn phải đối diện với hàng loạt khó khăn nội tại. Năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các ngành kinh tế khác, cùng với đó là các vấn đề tồn đọng kéo dài, ngày càng trở nên phức tạp dưới tác động từ nền kinh tế trong và ngoài nước.

Năm 2024, tăng trưởng ngành xây dựng được xem là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế, nhưng mức độ phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản, tiến độ giải quyết vướng mắc và triển khai các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý hiện hành vẫn chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn. Các vấn đề về định mức, đơn giá, tiêu chuẩn và quy chuẩn cũng chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, gây cản trở cho tiến trình phát triển.

Công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán nhiều nơi không đảm bảo thời gian quy định. Quản lý đô thị tại một số địa phương còn thiếu chuyên nghiệp, chưa khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội và tiềm năng của chính đô thị. Trong khi đó, thị trường bất động sản dù có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế như không đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và khó khăn tài chính của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, bất động sản.

Năm 2025 được Bộ Xây dựng xác định là giai đoạn tăng tốc toàn ngành để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây không chỉ là thời điểm kết thúc chặng đường cũ mà còn mở ra bước ngoặt, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa ngành xây dựng hòa mình vào kỷ nguyên phát triển mới, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ trong khát vọng vươn mình của dân tộc.

Năng lượng tái tạo Trung Nam gia hạn thành công cho lô trái phiếu 500 tỷ đồng

Công ty CP Năng lượng Tái tạo Trung Nam ghi nhận lỗ sau thuế gần 513 tỷ đồng trong năm 2023, trái ngược với kết ...

Nhìn lại thương vụ lịch sử của Vinhomes: Chi hơn 10.000 tỷ đồng, hé lộ giá bình quân mua vào

Vinhomes chi hơn 10.480 tỷ đồng mua lại 247 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ xuống 41.074 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục