Doanh nghiệp sản xuất trải lòng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì khó tiếp cận vốn vay

(Banker.vn) Tại hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra chiều 13/12 với sự hiện diện của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các doanh nghiệp tham dự đã cùng nhau nói ra những lời trải lòng mộc mạc nhưng chân thật về nỗi khó nhọc trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, cũng như tình cảnh "cạn" dòng tiền của họ.
Doanh nghiệp sản xuất trải lòng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì khó tiếp cận vốn vay
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết nếu tích trữ nguyên liệu lúc này thì doanh nghiệp phải đối diện với việc trả lãi ngân hàng mỗi ngày, còn nếu không mua thì người dân buộc phải "treo ao".

Điển hình như ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật chuyên kinh doanh lúa gạo ở Cần Thơ nêu quan điểm: "Doanh nghiệp chúng tôi không cần hỗ trợ 0% lãi suất, nếu được thì tốt, nhưng cái chúng tôi cần nhất là làm sao huy động đủ nguồn lực tài chính với lãi suất phù hợp, tiếp cận dễ dàng".

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nhật cho rằng việc thúc đẩy tín dụng để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu là vấn đề cấp thiết, không chỉ giải quyết hàng chục triệu tấn nông sản trong vùng, không chỉ liên quan doanh nghiệp thu mua nông sản mà còn liên quan tới cuộc sống của 17,5 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước dành một phần room tín dụng hỗ trợ các công ty thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long", Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật nói.

Tương tự, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng chia sẻ áp lực lớn nhất đối với Minh Phú lúc này là phải gom được 200 tỷ đồng trả lương cho cán bộ nhân viên và mua được hết tôm nguyên liệu cho bà con nông dân trong vùng.

Ông Lê Văn Quang cho biết, cuối tháng 11, các ngân hàng đã bắt đầu giải ngân nhưng doanh nghiệp của ông không dám vay vì lãi suất quá cao mà giá bán tôm lại không tăng được do lượng hàng tồn kho của các nước còn khá nhiều. Nếu tích trữ nguyên liệu lúc này thì doanh nghiệp phải đối diện với việc trả lãi ngân hàng mỗi ngày, còn nếu không mua thì người dân buộc phải "treo ao".

"Tôi chỉ có kiến nghị duy nhất là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để mua hết tôm cho bà con và trữ hàng tồn kho để qua tháng 6, hàng tồn kho các nước giảm thì chúng tôi bán. Chúng tôi chấp nhận lỗ, nhưng phải cứu người nông dân. Nếu không mua họ treo ao, cuộc sống của họ thế nào", đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lên tiếng cảnh báo.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (ASM) bộc bạch rằng doanh nghiệp của ông đang chịu sức ép lớn trong việc duy trì công ăn việc làm cho 12.000 anh em công nhân. Không muốn như nhiều doanh nghiệp trên thế giới phải sa thải nhân viên, Tập đoàn Sao Mai hy vọng với quyết sách của Nhà nước sẽ giữ được 12.000 người này, để không ai phải nghỉ việc.

"Vấn đề giảm lãi suất nếu có thì rất tốt, nhưng trước tiên phải khai thông nguồn vốn. Có vốn thì doanh nghiệp mới xoay xở có tiền trả lãi ngân hàng. Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ cũng không được. Đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước thấu hiểu cho doanh nghiệp", ông Lê Thanh Thuấn giãi bày.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư đa quốc gia IDI (Đồng Tháp) cũng cho rằng sau hai năm dịch bệnh, 2022 đã thực sự là năm suy thoái kinh tế, buộc doanh nghiệp vận dụng toàn bộ nguồn lực của mình để duy trì sản xuất. Qua thời gian dài gắng sức, ông Hải đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành gói tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi, đây là lợi ích thiết thực nhất đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất trải lòng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì khó tiếp cận vốn vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.

Sau khi lắng nghe lời phát biểu "ruột gan" của nhóm doanh nghiệp sản xuất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định đó là các kiến nghị rất xác đáng. Trong đó các kiến nghị về room tín dụng, các gói tín dụng, có lãi suất phù hợp cũng là mục tiêu mà sắp tới Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để ổn định, không để mặt bằng lãi suất ở mức cao.

Bà Hồng cũng đề nghị các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh thành thông báo đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp có phản ảnh gì thì tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền, khi cần báo cáo lại ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, cần bám sát tình hình, thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc.

Với các ngân hàng thương mại công bố các gói tín dụng, lãi suất (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank dành 2.000 tỷ đồng giảm lãi suất toàn quốc, trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long là 300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank giảm lãi suất 1% cho toàn hệ thống…) thì phải nói thật, làm thật, phải thực hiện nghiêm túc cam kết.

Bà Hồng cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, cần có sự điều hòa vốn, phân bổ room tín dụng cho các lĩnh vực này.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán