Doanh nghiệp ngành gỗ cần trang bị “phao cứu sinh” trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Để xuất khẩu gỗ bền vững, tránh bị điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, doanh nghiệp ngành gỗ cần chuẩn bị “phao cứu sinh” cho mình.
Bộ Công Thương: Phổ biến chính sách, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Xu hướng bảo hộ thương mại đang diễn ra như thế nào?

Thời gian qua, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm bị nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần trang bị “phao cứu sinh” trước

Gỗ xuất khẩu Việt Nam đang đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Ảnh: TTXVN

Cùng với xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, xin ông cho biết gỗ xuất khẩu Việt Nam đang đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường như thế nào?

Thời gian qua, ngành gỗ chứng kiến hai xu hướng đối lập nhau đó là xu hướng về tự do hóa thương mại cắt giảm thuế quan với việc Việt Nam tăng cường tham gia và ký kết nhiều FTA song phương, đa phương và xu hướng phòng vệ thương mại, bảo hộ mẫu dịch.

Với tác động tích cực từ hội nhập kinh tế, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu gỗ đã có sự tăng trưởng tích cực. Quý 3/2023 tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, khi kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đã đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian sụt giảm. Đồng thời đây là mặt hàng đang đối diện nhiều nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều quốc gia, trong đó có nhiều thị trường lớn.

Tính đến nay, đã có 5, 6 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với gỗ và sản phẩm gỗ. Một số vụ việc điển hình như gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Canada áp thuế chống bán phá giá ghế bọc nệm từ Việt Nam trên mức 100%.

Đáng chú ý, một số mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị khởi xướng và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc đối với gỗ dán vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc DOC ra kết luận cuối cùng về gỗ gán theo đó có 37 doanh nghiệp gỗ Việt Nam gần như bị “đoạn tuyệt” với thị trường Hoa Kỳ trong thời gian khá dài.

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Theo kế hoạch, tháng 10/2023 DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.

Ghế sofa có khung gỗ cũng đang đối diện nguy cơ bởi tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, với quy mô xuất khẩu sang Hoa Kỳ lớn, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ tác động tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Chúng tôi hy vọng, với việc nâng cấp quan hệ tốt đẹp hiện nay với Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ xem xét có quyết định cuối cùng không gây tác động quá tiêu cực đến các sản phẩm gỗ Việt Nam.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần trang bị “phao cứu sinh” trước làn sóng điều tra phòng vệ thương mại
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Sau các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, ông đánh giá gì về năng lực ứng phó của doanh nghiệp ngành gỗ?

Doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tập trung sản xuất gia công theo đơn hàng từ đối tác nước ngoài. Đa phần còn yếu về năng lực phòng vệ thương mại và yếu cả về con người, kiến thức về luật pháp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Dẫn tới tình trạng là dù sản xuất trung thực nhưng quá trình khai báo phức tạp cho nên doanh nghiệp không khai báo kịp, thậm chí bỏ cuộc, bị liệt kê không hợp tác, dẫn tới hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là yếu kém trong quản trị doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào sân chơi kinh tế toàn cầu.

Như chúng ta thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hai bên. Vì thế, thời gian qua, chúng tôi đang làm hết sức mình để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính minh bạch, sản xuất trung thực tránh bị điều tra phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại đã có sự đồng hành, sát cánh rất tích cực với các doanh nghiệp gỗ trong các vụ điều tra từ nước ngoài. Thông qua việc hỗ trợ hướng dẫn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp thực hiện các khai báo, làm các phản biện, tham gia các cuộc điều trần để chứng minh sản xuất của ngành gỗ không vi phạm về chống bán phá giá; chống trợ cấp, né tránh thuế chống bán phá giá.

Đặc biệt, nhiều nhóm hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao luôn được Bộ Công Thương đưa vào danh sách cảnh báo có nguy bị điều tra phòng vệ thương mại, qua đó đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ lợi ích cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, ông có đề xuất, kiến nghị gì tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong ngành?

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương, đặc biệt là các cơ quan đại diện thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường cung cấp thông tin, đánh giá thị trường để các doanh nghiệp có điều chỉnh quy mô sản xuất, chế biến, tranh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại. Về phía Cục Phòng vệ thương mại cần tăng cường hợp tác với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để triển khai các khóa đào tạo, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại cho doanh nhiệp.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi luôn khuyến nghị khi bước ra “biển lớn” phải chuẩn bị “phao cứu sinh” để ứng phó với “làn sóng” điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu. Bởi hiện, nhiều quốc gia đang gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng xuất khẩu cần xem xét các quy định về phòng vệ thương mại của thị trường. Đồng thời, tăng cường quản trị doanh nghiệp, sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, tiến tới áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi có bất trắc cần có bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn minh bạch. Đây là một khâu rất quan trọng tuy nhiên doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương