Doanh nghiệp livestream kèm nhiều ưu đãi kích cầu tiêu dùng dịp Tết 2024

(Banker.vn) Để kích cầu tiêu dùng dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, sử dụng livestream bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử.
Khởi tố 3 trợ lý giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng livetream Bài 2: Tháo gỡ thách thức cho phương thức livetream bán hàng

Thời gian qua, việc sử dụng livestream để bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Shoppe… đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế và sinh động.

Bà Vũ Thị Oanh – Chủ tịch Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL cho biết: Với sứ mệnh mang đến những cơ hội trải nghiệm mua sắm tuyệt vời, đặc biệt là sự tiện lợi cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Chợ Tết online của Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL chính thức ra mắt trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Doanh nghiệp livestream kèm nhiều ưu đãi kích cầu tiêu dùng dịp Tết 2024
Khác với bán hàng truyền thống, bán hàng qua livestream cần nhiều sự đầu tư hơn về sản phẩm, nội dung cho tới con người và các thiết bị hỗ trợ

Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, gian hàng Chợ Tết online được trang trí ngập tràn sắc xuân với nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, phong phú và chất lượng. Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng nhóm ngành hàng, giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lọc những mặt hàng cần mua.

Bên cạnh đó, Chợ Tết online liên tục áp dụng chương trình giảm giá sâu các mặt hàng Tết, nhiều mặt hàng chỉ còn 1K, cùng dịch vụ miễn phí giao hàng trên toàn quốc nhằm mang đến sự tiện ích tối đa cho khách hàng, đặc biệt là những người trẻ bận rộn không có thời gian mua sắm Tết theo kiểu truyền thống.

“Chiến lược xây dựng phiên Chợ Tết online đậm đà phong vị Tết truyền thống của Liên minh xúc tiến ACT GLOBAL chính là một khởi đầu trong những dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, Hợp tác xã có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, đồng thời giới thiệu, quảng bác các sản phẩm đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trên toàn quốc”, bà Oanh chia sẻ.

Theo chia sẻ của một số chủ "cửa hàng online", khác với kiểu bán hàng offline truyền thống, việc đầu tư livestream bán hàng online rất công phu và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho một buổi livestream đạt hiệu quả, bản thân người livestream phải chuẩn bị từ dụng cụ như điện thoại phải chất lượng, có camera tốt, đến nội dung livestream… Ngoài ra, người livestream cần phải biết cách trò chuyện để thu hút người xem, có nguồn năng lượng tích cực để mang đến một livestream vui vẻ và bùng nổ.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Thùy Dương, thành viên của Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL cho biết: “Thời gian đầu, mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đối lúc mình vẫn còn bối rối trước ống kính. Tuy nhiên, chỉ sau vài buổi livestream, tôi đã tự tin, mạnh dạn hơn. Mỗi lần lên sóng, tôi tập trung vào giới thiệu sản phẩm từ chất lượng tới giá cả để làm sao tư vấn một cách tốt nhất cho người xem.

Quan trọng nhất là luôn phải tỏa ra năng lượng tích cực, vui tươi, quan tâm đến người xem bằng cách phản hồi và tương tác những bình luận của họ…” - chị Dương cho biết thêm.

Doanh nghiệp livestream kèm nhiều ưu đãi kích cầu tiêu dùng dịp Tết 2024
Thông qua Chợ Tết Online, người tiêu dùng có thể mua sắm các sản phẩm đa dạng

Thực tế cho thấy, bán hàng qua livestream giúp doanh nghiệp nhanh chóng đẩy mạnh doanh thu. Thông qua phương thức livestream, người bán hàng có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Từ việc mắt thấy, tai nghe, qua những clip livestream hấp dẫn sẽ giúp người bán dễ dàng "chốt đơn", kích thích nhu cầu mua sắm "ngay lập tức" của người tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm cận Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân rất cao.

Bằng chứng cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh vẫn đang "sống khỏe" nhờ biết tận dụng lợi thế bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng thương mại điện tử trong năm 2023 đã đạt trên 60%, bỏ xa kênh thương mại hiện đại.

Trước tốc độ tăng trưởng vũ bão của kinh tế số, nổi bật nhất là thương mại điện tử và thương mại thông qua mạng xã hội (social commerce), TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động để đưa kinh tế số vào phát triển kinh tế.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kênh TikTok E2E của Tập đoàn KIDO, cho rằng có rất nhiều cơ hội cho nghiệp, người bán hàng khai thác trên social commerce.

"Thương mại trên mạng xã hội không phải là xu hướng mà là xu thế tất yếu để tất cả cá nhân kinh doanh, người kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp trung bình, doanh nghiệp lớn và thậm chí những tổ chức liên quan đều phải tham gia. Công nghệ đã thay đổi toàn bộ hành vi mua sắm thông qua các siêu ứng dụng, chợ online và các phương thức bán hàng online khác nhau, từ đó thay đổi việc tổ chức bán hàng của các doanh nghiệp" - ông Bảo nêu thực tế.

Doanh nghiệp livestream kèm nhiều ưu đãi kích cầu tiêu dùng dịp Tết 2024
Việc sử dụng livestream để bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến

Nêu con số tăng trưởng sốc của TikTok với hơn 12 tỷ lượt xem video mỗi ngày ở Việt Nam, hàng triệu video đưa lên nền tảng hằng ngày, trong đó bao gồm các video mô tả sản phẩm để làm nền tảng bán hàng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết, mỗi ngày có khoảng 40 - 50 triệu người mua bán trên nền tảng, thực hiện 1 - 2 triệu đơn hàng.

Theo ông Thanh, hiện có trên 2 triệu nhà sáng tạo nội dung sẵn sàng livestream bán hàng coi như thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi làm sao để livestream bán hàng trở thành phương thức bán hàng thường xuyên, mang lại hiệu quả cho người kinh doanh, ông Thanh cho biết, cách đây hơn 3 tháng, TikTok làm việc với TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh về kế hoạch đưa các giá trị cho người dân thành phố thông qua nền tảng TikTok. Một trong 3 hoạt động chính là TikTok sẽ phối hợp với thành phố nâng cao năng lực cho lực lượng lao động, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn.

Theo thông tin từ nền tảng dữ liệu thương mại điện tử EcomHeat thuộc YouNet ECI cho biết, thông qua việc thu thập, xử lý và phân tích từ 2,6 triệu gian hàng trực tuyến, bao phủ toàn bộ 4 sàn online đa ngành là Shopee, Tiki, Lazada và TikTok Shop đã cho thấy, chi tiêu cho mua sắm trực tuyến của người Việt tăng cao trong tháng qua. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy, có khoảng 405.000 nhà bán đã "nổ đơn" trên 4 sàn trong tháng 11/2023.

Số liệu từ nền tảng này đã cho thấy, Shopee đứng đầu về doanh thu, với 72,7%, tương đương 22.670 tỷ đồng, trong tất cả nhóm ngành hàng, bỏ xa các sàn khác. TikTok Shop và Lazada với thị phần lần lượt là 17,2% và 9%, nhưng ưu thế trong các nhóm ngành hàng khác nhau.

Về mặt hàng dễ nhận thấy, TikTok Shop là nơi giao dịch các ngành hàng dễ mua, dễ dùng như thời trang và phụ kiện; làm đẹp; thực phẩm và đồ uống. Trong khi, Lazada thế mạnh ở những ngành hàng có giá trị cao như đồ công nghệ, gia dụng, thiết bị âm thanh. Với 385 tỷ đồng, công nghệ là nhóm ngành hàng mang lại nhiều doanh thu nhất cho Lazada trong tháng 11/2023.

Riêng TikTok Shop đứng thấp nhất về giá trị trung bình sản phẩm. Trung bình, một sản phẩm bán ra trên đây chỉ có giá khoảng 108.000 đồng (Shopee là 116.000 đồng và Lazada là 162.000 đồng).

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương