Doanh nghiệp giải thể, ngân hàng gian nan đòi nợ

(Banker.vn) Năm 2017, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Quỳnh (trụ sở tại TP. Hải Phòng) bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải giải thể theo quy định pháp luật trong khi còn nợ ngân hàng hơn 69 tỷ đồng nợ gốc….

Năm 2011, Ngân hàng V. và Công ty Hưng Quỳnh ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức cho cho vay và bảo lãnh là 85 tỷ đồng; mục đích để bổ sung nhu cầu vốn lưu động năm 2011-2012 phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở hợp đồng tín dụng này, ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Hưng Quỳnh theo 20 giấy nhận nợ. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng và Công ty Hưng Quỳnh đã ký kết 20 hợp đồng thế chấp, trong đó thế chấp nhiều quyền sử dụng đất, xe ô tô, xe cần trục, xe cần cẩu, hàng hóa là sắt thép.

Sau này, Công ty Hưng Quỳnh không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng như thỏa thuận nên khoản vay đã chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 23/12/2011. Ngân hàng nhiều lần đôn đốc, yêu cầu thanh toán các khoản nợ còn lại nhưng Công ty không thực hiện. Do vậy, ngân hàng đã đệ đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Hưng Quỳnh trả nợ gốc và lãi trong đó có hơn 69 tỷ đồng nợ gốc.

Trong quá trình giải quyết vụ án, công ty đã trả cho ngân hàng số tiền nợ gốc là 60,7 tỷ đồng và ngân hàng giải chấp một số tài sản cho các bên thế chấp tài sản.

Đáng nói là khi khoản nợ chưa được giải quyết thì năm 2017, Công ty Hưng Quỳnh bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo quy định pháp luật, ngân hàng đề nghị Tòa án buộc công ty cùng các thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Duy H., ông Nguyễn Văn C., bà Nguyễn Thị N. và ông Hà Văn M. phải liên đới chịu trách nhiệm trả khoản tiền nợ gốc và lãi nêu trên theo đúng thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng.

Xem xét các tài liệu chứng cứ, lời khai các bên, Hội đồng xét xử nhận định, theo điểm d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2015 thì doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực tế, năm 2017, Công ty Hưng Quỳnh đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo khoản 3 Điều 203 Luật Doanh nghiệp, khi tiến hành giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện việc thanh toán các khoản nợ. Nhưng kể từ khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty chưa làm thủ tục giải thể và chưa thực hiện việc thanh toán nợ. Do đó, Công ty Hưng Quỳnh phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng.

Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán,  những người quản lý có liên quan và công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ.

Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm… Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch theo quy định tại Điều lệ Công ty. Do đó, Tòa án xác định 4 cá nhân nói trên có trách nhiệm liên đới với Công ty Hưng Quỳnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ.

Theo điểm c khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Bốn cá nhân nói trên là cổ đông sáng lập, không phải là các cổ đông chiếm 100% cổ phần. Do đó, Tòa án xác định công ty phải thanh toán trả nợ trước. Khi công ty đã bán hết tài sản và không còn khả năng trả nợ thì các cổ đông góp vốn mới phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ còn lại tương ứng với phần trăm tỷ lệ góp vốn.

Cụ thể, Công ty Hưng Quỳnh phải trả cho ngân hàng số tiền nợ gốc và lãi là 45,6 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Hưng Quỳnh không trả được nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự phát mại toàn bộ tài sản thế chấp để xử lý nợ, bao gồm tài sản gắn liền với đất đã có và sẽ có, quyền thụ hưởng tiền bồi thường quyền sử dụng đất (nếu có) trên diện tích 71.157 m2 tại huyện An Dương, TP. Hải Phòng vốn được sử dụng xây dựng Trung tâm Du lịch sinh thái, sinh vật cảnh, khu vui chơi giải trí.

Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm nói trên không đủ trả nợ, 4 cổ đông sáng lập phải liên đới trả số tiền còn nợ theo tỷ lệ góp vốn.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ