Doanh nghiệp FDI tiếp tục ‘bài ca’ thua lỗ

(Banker.vn) Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, tỷ trọng doanh nghiệp FDI lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng cao so với năm 2020.
Số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI trên cả nước
Số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI trên cả nước

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp FDI . Từ báo cáo của hơn 26.000 doanh nghiệp , Bộ Tài chính đã khắc họa bức tranh tài chính của khối FDI với nhiều gam màu tối so với năm 2020.

Theo đó, năm 2021 tổng tài sản doanh nghiệp FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020; vốn chủ sở hữu 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3%. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%.

Năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 16.200 doanh nghiệp, chiếm 62% tổng số doanh nghiệp FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4,4 nghìn doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020.

Đặc biệt, một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ lớn như: Thông tin truyền thông (4,06 lần); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (3,85 lần); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (2,95 lần). Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (2,93 lần).

Bộ Tài chính nhận xét, tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, với thực trạng của các doanh nghiệp FDI hiện nay sẽ có 2 trường hợp: doanh nghiệp lỗ thật và doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ để trốn thuế, chuyển giá.

Đồn quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI thua lỗ. Với số lượng doanh nghiệp FDI thua lỗ chiếm tới hơn 1 nửa, cơ quan chức năng cần tìm hiểu ngoài tác động khó khăn của nền kinh tế, liệu có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế.

“Việt Nam thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi nhằm mục đích cùng chia sẻ lợi nhuận khi DN này hoạt động ở Việt Nam. Khi doanh nghiệp vào Việt Nam kinh doanh không có lợi nhuận, cần xem lại chính sách thu hút đầu tư và giải quyết gốc rễ vấn đề từ khâu thu hút ban đầu. Bởi để phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế rất khó do phải tìm được bằng chứng”, ông Long nhận định.

Cũng theo một chuyên gia tài chính, dấu hiệu để nhận biết hiện tượng chuyển giá là doanh nghiệp báo lỗ liên tục một số năm nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản suất mở rộng. Có thể các doanh nghiệp đã chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1-2 năm báo lãi nhưng con số nhất nhỏ nên tính lũy kế vẫn lỗ.

Vị chuyên gia này cho biết, cách biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các doanh nghiệp FDI không thể làm việc riêng lẻ mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn hoặc từng nhóm. Nhiều doanh nghiệp đã có ý đồ chuyển giá và dùng các “chiêu trò” khác như định giá cao đầu vào và khai báo giá bán khi xuất khẩu hàng ra thấp, khai tăng nhiều chi phí khác, sử dụng chi phí trả lãi tiền vay… để thực hiện hành vi chuyển giá.

Trên thực tế, cơ quan Thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như đã truy thu Metro Việt Nam 507 tỷ đồng, Hualon Corporation Việt Nam 78,1 tỷ đồng…

Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp FDI “thích” lỗ, vị chuyên gia tài chính trên cho biết, chính sách ưu đãi thuế của nước ta đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải (đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giá, đặc biệt là hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán