Điều hành chính sách tiền tệ kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát

(Banker.vn) Chiều 19/1/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng và Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan chủ yếu dành thời gian để lắng nghe ý kiến, những chia sẻ đúng đắn về kinh tế Việt Nam, về chính sách tiền tệ mà Chính phủ đã điều hành trong thời gian qua, những kết quả đã đạt được, đặc biệt những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

“Vì chúng ta biết con đường phía trước không chỉ là con đường cao tốc mà còn phải gặp những ổ gà, ổ trâu trong quá trình phát triển. Chúng ta không được vấp ngã để kinh tế Việt Nam tụt dốc”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Chính phủ là phải điều hành để đưa đất nước tiến bước, thực hiện cho được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ họp vào ngày 25/1 tới. Chúng ta sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ rất quan tâm tới việc làm thế nào có những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Đối với các bộ, ngành trong đó có NHNN đã tập trung rất quyết liệt, ở góc độ NHNN làm được hai việc, đó là: Điều hành chính sách tiền tệ kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát dù thực hiện giải pháp nào đi nữa cũng luôn không chủ quan với lạm phát; và rất chủ động trong điều hành, theo dõi sát diễn biến và có phương án kịch bản để phối kết hợp đồng bộ với các bộ, ngành.

NHNN cũng rất linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành Ngân hàng là ngành vào cuộc rất sớm và đưa ra các giải pháp rất thiết thực, đúng thời điểm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, NHNN cũng rất quan tâm đến việc chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện cải cách hành chính, 5 năm liền NHNN là bộ, ngành đứng đầu trong các bộ, ngành về cải cách hành chính.

Với việc đóng góp về ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thủ tục hành chính NHNN cũng đã thực hiện đúng Chủ trương của Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp

“NHNN thấy được trong thành công của NHNN, có một phần rất quan trọng đó là NHNN đã được lắng nghe những ý kiến rất trí tuệ, rất sâu sắc của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong nhiệm kỳ vừa qua có 15 cuộc họp hội đồng tư vấn, trong năm 2020 có 2 cuộc họp. NHNN là bộ, ngành rất chủ động tham gia các cuộc họp để lắng nghe và đưa ra những giải pháp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Để nâng cao hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ mong muốn, có sự vào cuộc và chung tay của các chính sách khác.

Tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã báo cáo đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng, giải pháp điều hành năm 2021.

Theo đó, trong năm 2020, NHNN đã khẩn trương, kịp thời triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm lãi suất, duy trì tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn, hỗ trợ tích cực để nền kinh tế hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế.

Cụ thể: Đảm bảo cung ứng thanh khoản đầy đủ, kịp thời, đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô; giảm mạnh lãi suất điều hành liên tiếp 3 lần và là một trong những NHTW có mức giảm (1,5-2,0%/năm) mạnh nhất trong khu vực; chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.​ Lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm, hiện là 4,5%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các NHTM giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019…

Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho TCTD và người vay vốn. Ban hành Thông tư 01 tạo hành lang pháp lý, cơ chế đột phá để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng (cơ cấu lại nợ gốc và lãi, không chuyển nợ xấu, không tính lãi phạt; miễn giảm lãi, phí); tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, tiếp nhận, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp; tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động ngừng việc do COVID-19; Tiếp tục chủ động, quyết liệt chỉ đạo việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết số 42/2017/QH14...

Về định hướng giải pháp trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, theo đó NHNN đề ra mục tiêu tổng quát là: “Thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…”.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức nhưng Việt Nam đã vượt qua một cách thành công. Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã chấp nhận thâm hụt để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã làm tốt việc ổn định và khôi phục tăng trưởng.

Về dự báo tình hình năm 2021, các chuyên gia cho rằng, chỉ có thể khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục chú trọng các nhóm giải pháp, như: Phòng chống dịch bệnh; kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh đầu tư công.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: