“Địa chấn” bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Cty Bình Minh liệu có theo chân Tân Hoàng Minh?

(Banker.vn) Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà số 151 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Như vậy, khi tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm doanh nghiệp này mới chỉ thành lập được 3 tháng.

Chiêu bài đấu giá … “ném tiền qua cửa sổ”

Cuối năm 2021, giới kinh doanh bất động sản, thị trường tài chính và dư luận dường như “ngã ngửa” trước thông tin một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Cty Ngôi Sao Việt trả giá tới hơn 2,4 tỷ đồng cho mỗi mét vuông đất ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh

Song hành cùng với Tân Hoàng Minh khi tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm còn có một công ty không mấy tiếng tăm là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh (Cty Bình Minh).

Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống thì Cty Bình Minh đã trúng đấu giá ô đất 3-9 ở Thủ Thiêm với mức giá 5.026 tỷ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm. Như vậy, mỗi mét vuông đất của lô này được định giá tới 1 tỷ đồng….

Sự việc ngay sau đó đã khiến cho dư luận cả nước xôn xao và đặt nhiều dấu hỏi đằng sau câu chuyện đấu giá theo kiểu “mua đất trên sao Hoả”.

Trước tình thế đó, Cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cung cấp tài liệu về việc cấp tín dụng cho các chủ thể tham gia đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm. Ngân hàng Nhà nước khẳng định không ngân hàng nào cho 4 đơn vị trúng giá đất Thủ Thiêm vay tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, cũng rất nhanh sau đó, Tân Hoàng Minh lại phát đi một tuyên bố mang tính “bom tấn” đó là bỏ cọc.

Cũng giống như “đàn anh” nổi tiếng, Cty Bình Minh cũng phát đi thông báo theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”. Cụ thể, chiều ngày 8/2/2022, Cục thuế TP.HCM đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh, đề nghị không triển khai dự án trên lô đất 3-9 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với lý do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nên không đủ vốn để đầu tư.

Như vậy có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Tân Hoàng Minh và Cty Bình Minh đã khiến cho dân đầu tư BĐS và kinh doanh tài chính trở nên “ngã ngửa” khi cặp đôi này bất ngờ trả giá cực cao rồi cũng…bất ngờ bỏ cọc với số tiền cực lớn mà nguyên nhân của nó cực kỳ lãng xẹt.

Thành lập được 3 tháng, tham gia đấu giá đất nghìn tỷ

Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán khai thác từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh vừa được thành lập ngày 24/09/2021. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là bà Thân Thị Liên (SN 1992). Khi mới thành lập, Bình Minh có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là "Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính".

Như vậy, khi tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm doanh nghiệp này mới chỉ thành lập được 3 tháng. Đến ngày 3/12/2021 (một tuần trước phiên đấu giá đất Thủ Thiêm), công ty này tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên mức 200 tỷ đồng; đồng thời thay đổi ngành nghề kinh doanh sang "Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê".

Tiếp tục khai thác về Cty Bình Minh cho thấy, về lĩnh vực BĐS, Bình Minh là “tấm chiếu mới” trên thị trường bất động sản. Ngoài ra Bình Minh còn có mối liên hệ với CTCP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Ba Đình – do ông Hoàng Việt Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.

Trước thông tin về Bình Minh, giới đầu tư BĐS cũng râm ran phải chăng đơn vị này lớn nhanh như “Thánh Gióng” là có sự trợ giúp của một nữ đại gia hiện đang điều hành một Tập đoàn chuyên kinh doanh về sân gofl, BĐS…

Bộ Công an công bố xác minh 11 dự án của Tân Hoàng Minh

Cần phải xử lý thật nghiêm

Đây chính là câu trả lời của nhiều luật sư trước sự việc trên. Theo đó, trả lời trên VTC, Luật sư Lê Huy Quang - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh The Light - cho biết, việc Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá quá cao trong buổi đấu giá đã khiến những nhà đầu tư khác không dám đặt lệnh và bị loại khỏi cuộc chơi. Như vậy, việc bây giờ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, không mua nữa là đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhà đầu tư khác cùng tham gia đấu giá.

Cũng theo ông Quang, việc đẩy giá, làm méo mó thị trường là hệ lụy trông thấy rõ rệt, nên lời xin lỗi của Chủ tịch Tân Hoàng Minh là "không thấm vào đâu" so với hậu quả doanh nghiệp này đã gây ra.

"Cần phải có chế tài xử phạt thật mạnh doanh nghiệp này, để không tạo tiền lệ xấu về sau", ông Quang đề xuất.

Như thông tin mà Kinh tế Chứng khoán đăng tải, chiều 4/4, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì có nhiều sai phạm.

Cùng với đó, thị trường cũng có nhiều tin đồn liên quan đến cá nhân ông Đỗ Anh Dũng vì sau vụ Ngôi Sao Việt bỏ cọc đất Thủ Thiêm, Bộ Công an công bố xác minh 11 dự án của Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu thông tin thì người viết cũng nhận được nhiều thắc mắc tại sao Cty Bình Minh cũng có hành động như Tân Hoàng Minh mà chưa được nhắc đến (!?).

Đào Giang

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán