Điều gì đang thúc các ngân hàng tăng vốn?

(Banker.vn) Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, câu chuyện tăng vốn dường như dễ dàng hơn rất nhiều khi các nhà băng đưa ra những con số tăng trưởng khá ấn tượng, có ngân hàng dự kiến tăng tới hơn 60% vốn điều lệ trong năm 2021.

Đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng có xu hướng phục hồi và được nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Do đó, mục tiêu tăng vốn lại tiếp tục được đặt ra đối với các tổ chức tín dụng để có thể tăng trưởng cho vay khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

Việc nhiều ngân hàng ưu tiên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn cho thấy họ cũng đang khá sốt ruột cho việc tăng vốn.

Có thể nhận thấy, năm 2021 là thời điểm khá thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng khi trải qua một năm lãi lớn mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong khi thị trường chứng khoán đang ở vùng đỉnh của nhiều năm.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay đối với các ngân hàng là rất phù hợp. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, tăng vốn thông qua hình thức này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II.

"Có thể thấy, áp lực tăng vốn ở nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn còn lớn khi CAR của các nhà băng này dù vẫn trên mức quy định (8%) nhưng vẫn ở ngưỡng thấp so với toàn ngành", ông nói.

Như trường hợp của BIDV, CAR tại thời điểm 30/6/2020 của ngân hàng là 8,97%. Sau khi đẩy mạnh tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, CAR đã giảm xuống mức hơn 8%.

Những yếu tố trên làm tăng lo ngại đến hạn mức tăng trưởng tín dụng của BIDV năm 2021, do đó gây áp lực lên quá trình tăng vốn...Với kế hoạch nâng vốn điều lệ được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên 2021, BIDV sẽ vẫn phụ thuộc một phần vào vốn cấp 2 - trái phiếu dài hạn, theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Còn với trường hợp của VietinBank, ngân hàng mới chính thức áp dụng CAR theo Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2021 nên chưa công bố con số CAR cụ thể. Tuy nhiên, theo tính toán của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), CAR của VietinBank theo Thông tư 41 mới chỉ đạt trên mức yêu cầu tối thiểu 8%.

Cũng chính điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của ngân hàng trong những năm qua. Theo VDSC, phần lớn thị phần gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp.

Cụ thể, trong 5 năm trở lại, các ngân hàng quốc doanh đã mất 1,42 điểm % thị phần tín dụng. Tuy nhiên, trong đó, Vietcombank (với CAR tại cuối năm 2020 là 10%) là một ngoại lệ, với mức tăng 0,64 điểm %.

Tỷ lệ an toàn vốn của một số ngân hàng (Ảnh: Lê Huy tổng hợp)

Song, đối với các ngân hàng tư nhân dù đang duy trì "bộ đệm" vốn ở mức khá chắc chắn, nhưng những nhà băng này vẫn tiếp tục củng cố nguồn vốn nhằm mở rộng hoạt động, phục vụ những mục tiêu kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo ACB cho biết bên cạnh việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn, việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong năm 2019 – 2024.

"Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến đầu tư khoảng 4.783 tỷ đồng vào tài sản tăng năng lực như hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới... hơn 5.900 tỷ đồng", MB chia sẻ về kế hoạch sử dụng nguồn vốn tăng thêm.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán