Điện mặt trời mái nhà: Cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh

(Banker.vn) Sử dụng điện mặt trời mái nhà xu hướng tất yếu và là điều kiện quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu Phải có chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hiệu quả điện mặt trời mái nhà

Chiều ngày 16/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) và các đơn vị liên quan tổ chức tổ chức.

Điện mặt trời mái nhà: Cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh

Chia sẻ tại sự kiện, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 ở Scotland thuộc Vương quốc Anh (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ đưa Việt Nam giảm phát thải về “0” vào năm 2050, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy điện than mới sau 2030.

Nhìn lại hai năm thực hiện, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ này qua các nhiệm vụ cụ thể trong quy hoạch ngành năng lượng và chính sách phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26/7/2023 (Quy hoạch điện 8) cũng đã đưa ra những giải pháp và bước tiến có tính đột phá trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân, lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn công suất.

Điện mặt trời mái nhà: Cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh
Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”. Ảnh: Thanh Minh.

Đây là nguồn năng lượng điện mặt trời phân tán tại chỗ, có nhiều lợi thế lớn hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, do không mất tổn thất khi truyền tải và phân phối đi xa, mà còn phục vụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ. Đặc biệt đây sẽ nguồn điện sạch bổ sung giúp giảm áp lực cho hệ thống truyền tải và đảm bảo phần nào nguồn điện chủ động cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

“Để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, mới đây Bộ Công Thương cũng đưa ra các cập nhật mới nhất để đề xuất, hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định, quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trình Chính phủ”, ông Võ Tân Thành thông tin.

Chính sách ưu tiên cho phát triển, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà này đang là niềm mong mỏi của các lĩnh vực, ngành nghề và khối doanh nghiệp. Bởi sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm phát thải carbon, mà còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định trong những thời điểm phụ tải tăng cao trong mùa nắng nóng.

Không chỉ có vậy, tính đến tháng 5 năm 2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết thực thi và 3 FTA đang đàm phán, các Hiệp định thương mại tự do này có hiệu lực với hơn 60 đối tác phủ rộng các châu lục, đây chính là bước đệm giúp Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Bên cạnh các giải pháp chủ động trong việc triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do, tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu, với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 và tiến tới mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Điện mặt trời mái nhà: Cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh
Các địa biểu đóng góp ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Minh.

Các Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm như dệt may, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm xuất khẩu EU sẽ phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm phát thải, chất thải, và sử dụng nguyên liệu tái chế. Các loại sản phẩm bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng cũng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường châu Âu trong thời gian tới.

“Trước những hàng rào kỹ thuật trên cho thấy, để xuất khẩu và được hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng là yếu tố bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh, được cộng điểm ưu tiên, khi xuất khẩu vào các thị trường lớn”, Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các chủ đầu tư khu công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cùng chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận về những lợi ích của nguồn năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà với doanh nghiệp sản xuất, các thuận lợi và khó khăn khi đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà máy, nhà xưởng, khu chế xuất.

Đồng thời tham mưu, góp ý, đề xuất hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan nhằm tháo gỡ, phát triển điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng cho doanh nghiệp, trong khu công nghiệp như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất nhằm thực hiện các thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu để xuất khẩu bền vững.

Điện mặt trời mái nhà: Cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Chứng chỉ xanh từ năng lượng điện mặt trời mái nhà - điều kiện cần và đủ với doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế. Ảnh: Thanh Minh.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) cho rằng, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận Xanh của Liên minh Châu Âu đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tại Hội nghị, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến đóng góp, các giải pháp kiến nghị của các cơ quan ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp. Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp các nội dung, ý kiến, trình Chính phủ, Bộ Công Thương và các ngành liên quan để xây dựng và hoàn thiện, sớm thúc đẩy việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động chủ động, hiệu quả và ngày một phát triển.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục