Điện Kiến Trung – Nơi vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị

(Banker.vn) Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, điện Kiến Trung trở thành chứng nhân lịch sử. Là nơi vua Bảo Đại gặp phái đoàn Chính phủ lâm thời họp bàn việc thoái vị.
Thừa Thiên Huế: Chấn chỉnh việc xây dựng trái phép của Nhà máy Kanglongda Huế Thừa Thiên Huế: Kiểm tra an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ Thừa Thiên Huế: Phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử

Những ngày đầu tháng 8/2024, phóng viên Báo Công Thương đến Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế tìm lại lịch sử về sự kiện vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị.

Mặc dù lượng thông tin, hình ảnh cho sự kiện này ít, mỏng. Tuy nhiên được sự hỗ trợ từ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và những nội dung trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 – 1945 cũng đã khắc hoạ một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Thừa Thiên Huế dám đứng lên chống giặc ngoại xâm, giành lại chính quyền về tay Nhân dân.

Điện Kiến Trung – Nơi vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị
Sự kiện lịch sử vua Bảo Đại trao Quốc ấn và thanh gươm cho đại diện Chính phủ Lâm thời tại Ngọ Môn (Ảnh: Tư liệu)

Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945 đến ngày 17/3/1945 chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Sự ra đời của nội các này kéo theo sự xuất hiện nhiều tổ chức thân Nhật. Nhóm anh em Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm ráo riết hoạt động, chuẩn bị đưa Cường Để thay Bảo Đại. Lúc này chính quyền Bảo Đại đã cộng tác với quân phiệt Nhật đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Tháng 8/1945, giữa cao trào của Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh – chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Theo chỉ thị của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế bắt đầu phát động khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn địa bàn và nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị.

Đêm 22/8/1945, trước áp lực cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại vị vua cuối cùng của triều đình phải cuối đầu tuyên bố “nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”. Uỷ khởi nghĩa không đồng ý và yêu cầu: Nhà vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền bính cho chính quyền cách mạng và điện cho các tỉnh trưởng giao chính quyền cho Việt Minh. Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị vũ khí đạn dược. Chính quyền cách mạng hứa sẽ đảm bảo an toàn tính mạng và quyền công dân cho Bảo Đại. Những tài sản trong hoàng cung đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Một số tài sản riêng của Bảo Đại được phép mang theo để sử dụng. Các lăng tẩm triều Nguyễn từ nay thuộc tài sản quốc gia. Những người trong hoàng tộc trước đây chăm lo lăng tẩm nay được ở lại tiếp tục làm việc cho chế độ mới.

Nhận được “tối hậu thư” Bảo Đại triệu tập họp nội các. Nhà vua và những người dự họp đã nhất trí chấp nhận những điều kiện của Việt Minh đưa ra và sẽ từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị.

Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi Bảo Đại bức điện với nội dung “Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Đại hội quốc dân bầu ra có nhiệm vụ như một chính phủ lâm thời để điều khiển nội vụ và ngoại giao, yêu cầu nhà vua chính thức tuyên bố thoái vị trước quốc dân và quốc tế, trước uỷ ban dân tộc giải phóng và chính phủ lâm thời”.

Phái đoàn Trung ương do ông Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Lương Bằng và ông Cù Huy Cận được cử vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

Ngày 28/8/1945, nhân dân Thừa Thiên Huế mít tinh tại sân vận động Huế để chào mừng phái đoàn của Trung ương. Từng tràng vỗ tay kéo dài khi nghe Trưởng đoàn thông báo cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi rực rỡ trên phạm vi toàn quốc và giới thiệu Ủy ban dân tộc giải phóng là chính phủ cách mạng lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Điện Kiến Trung – Nơi vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị
Điện Kiến Trung ngày nay (Ảnh: NT)

Chiều 29/8, tại điện Kiến Trung, phái đoàn Trung ương tuyên bố với Bảo Đại những điều khoản cần thiết và bàn thủ tục thoái vị. Theo đúng chương trình, chiều 30/8, lễ thoái vị của Bảo Đại - triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành Huế.

Đúng 13 giờ, Bảo Đại bịt khăn vàng, mặt áo vàng cùng một số bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng phía trái lầu Ngọ Môn. Đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng bên phải. Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến.

Trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên phần phật bay giữa trời Huế tự do, độc lập. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến tồn tại hơn 10 thế kỷ, đồng thời cũng công nhận tính hợp pháp của chính quyền dân chủ nhân dân.

Điện Kiến Trung (Đại nội Huế) tiền thân là một công trình mang tên là lầu Minh Viễn, xây dựng năm 1827, được bình chọn là “Thần Kinh đệ nhất cảnh”. Năm 1876, do bị xuống cấp nặng nề, vua Tự Đức cho triệt giải công trình. Năm 1913, vua Duy Tân cho dựng một công trình theo phong cách mới, gọi là lầu Du Cửu. Sau khi vua Khải Định lên ngôi đổi tên thành điện Kiến Trung.

Giai đoạn 1921-1923, điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây dựng lại hoàn toàn có quy mô lớn và mang phong cách đặc trưng thời Khải Định với kiểu trang trí hết sức cầu kì, tỉ mỉ. Sang triều vua kế vị là Bảo Đại thì triều đình cho tu sửa lại tòa điện, tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục