Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí và đại diện sở, ngành của nhiều địa phương.
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Thời gian qua, từ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương đã ngày càng đặt truyền thông chính sách ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu |
Làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho sự phát triển; làm thế nào để báo chí thực sự phát huy hết vai trò của mình trong công tác truyền thông chính sách? Từ mong muốn đi tìm lời giải cho những vấn đề này, Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”. Hy vọng rằng, Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả.
Tại diễn đàn, một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là làm thế nào để báo chí phát huy sức mạnh, thực sự là kênh chủ lực của truyền thông chính sách?
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí.
Thời gian qua, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT& TT phát biểu tại diễn đàn |
Một số ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn còn cho rằng: Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Như vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được báo chí phản ánh; hay việc truyền thông ủng hộ lực lượng chức năng quyết liệt trong việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu. Cũng phải nhìn nhận ở chiều ngược lại, rất cần ở báo chí sự phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp, khoa học, trên tinh thần xây dựng, tránh hiện tượng lợi dụng phản biện để “đánh đấm”, bảo vệ cho lợi ích nhóm. Mặt khác, cần hơn nhiều tiếng nói của báo chí để phản biện, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, kích động trên không gian mạng như đang xảy ra hiện nay.
Thời gian tới, những thách thức đặt ra cho báo chí trong công tác truyền thông chính sách đó là việc báo chí phải đối mặt với các luồng thông tin trái chiều trên truyền thông xã hội, nơi mà giới trẻ và số lượng người dùng ngày càng gia tăng. Cùng với đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; chưa có nhân lực chuyên trách làm nhiệm vụ này. Về phía mình, phóng viên theo dõi lĩnh vực cần trở thành những chuyên gia giỏi, thay vì không ít bài viết phản ánh hời hợt, nghe chỗ này, chỗ kia, chuyên gia này, nhà khoa học nọ, mà bản thân phóng viên không có kiến thức, hiểu chưa rộng, chưa sâu thì dễ bị hướng lái phản biện, có khi còn không có lợi. Thêm nữa, báo chí có phản biện trúng, đúng nhưng cần phải được lan toả rộng, sâu thì mới có hiệu quả. Đây cũng là thách thức đòi hỏi báo chí phải chuyển đổi số nhanh để không bị tụt hậu, mất độc giả, mất nguồn thu và giảm lượng độc giả tiếp cận tiếng nói xây dựng chính sách của báo chí.
Có thể khẳng định, lực lượng báo chí là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ này. Nhưng trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan tỏa chính sách tới công chúng; Báo chí cũng không còn là cầu nối duy nhất từ Chính phủ đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Công Thương tham dự diễn đàn |
Bên cạnh đó, công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.
Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế này và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, trước hết báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn. Nội dung truyền thông tốt nhưng phải được lan toả trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác.
Bên cạnh đó, cần hệ thống hóa thông tin chính sách, biến thông tin chính sách trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán, dữ liệu lớn sẽ tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức. Vì thế chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số là mục tiêu hướng tới của báo chí, góp phần làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, tạo đồng thuận trong xã hội, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc từ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Toàn cảnh diễn đàn |
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải có cách tiếp cận đa dạng hơn về các sản phẩm báo chí trong quá trình tham gia truyền thông chính sách. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin chính sách tới người dân và phản ánh thực tiễn xã hội tới các cơ quan hoạch định chính sách, với đặc thù bám sát công chúng, báo chí cần chủ động tham gia sâu hơn và tạo ra những sản phẩm mang tính dự báo và đo lường tác động truyền thông thông đến từ sự tương tác của dư luận, cử tri với chính sách. Đồng thời, báo chí cần phải được tham gia chủ động hơn trong việc đề xuất các phương án truyền thông chính sách đối với các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách trên cơ sở tôn chỉ, mục đích và đặc thù của mình.
Đối với truyền thông về chính sách kinh tế, các cơ quan liên quan mà trực tiếp là các cơ quan ban hành chính sách và các đơn vị báo chí cần phải đổi mới nhận thức, có nhiều hơn chương trình hành động cụ thể để nâng cao chất lượng. Theo đó, các cơ quan ban hành chính sách cần mở rộng phạm vi đặt hàng tuyên truyền hơn so với hiện nay, ưu tiên các báo chuyên ngành kinh tế là những cơ quan báo chí có đúng đối tượng bạn đọc quan tâm.
Về vấn đề đơn giá và thủ tục đặt hàng cần nghiên cứu theo hướng đơn giản, dễ nghiệm thu quyết toán và đủ chi phí để các cơ quan báo chí tổ chức các nội dung tuyên truyền chất lượng, thay vì đủ số lượng tin, bài. Cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách kinh tế có cơ chế phản hồi thông tin báo chí nhanh hơn quy định và chất lượng giải trình phải bảo đảm có thể là tư liệu chất lượng cho báo chí khai thác; có cơ chế hợp tác, giao cho các cơ quan trực thuộc, cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tham dự thường xuyên các hội thảo, tọa đàm, đối thoại... do các cơ quan báo chí tổ chức.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần có cơ chế về tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, xem xét có ưu đãi hoặc miễn thuế thu nhập với cơ quan báo chí.
Nhóm Phóng viên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|