Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 29/10/2023: Vàng tiếp tục tăng giá; đầu tư ra nước ngoài giảm

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 29/10: Vàng tiếp tục tăng giá; đầu tư ra nước ngoài giảm; phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 2023…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/10/2023: Giá vàng vẫn trên đỉnh; giá USD cũng đi lên Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 28/10/2023: Giá vàng trong nước giảm; xăng dầu thế giới đi lên

Vàng tiếp tục tăng giá

Giá vàng thế giới đã vượt mức 2.000 USD/ounce khi xung đột tại Trung Đông leo thang thúc đẩy hoạt động mua vào tài sản an toàn. Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, giá vàng có thể tiếp tục tăng khi đây vốn được xem là "hầm trú ẩn" an toàn.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 29/10/2023: Vàng tiếp tục tăng giá; đầu tư ra nước ngoài giảm
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 29/10/2023: Vàng tiếp tục tăng giá. Ảnh Vietnamnet

Ở trong nước, giá vàng SJC hôm nay 29/10 tăng 250.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 70,15 – 70,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Đầu tư ra nước ngoài giảm 6,1%

Trong 10 tháng của năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài gần 424 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 95 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 251,15 triệu USD, giảm 35,6% và có 19 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 173,19 triệu USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hạt điều tăng cao

Tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 56,8 ngàn tấn hạt điều, đạt giá trị 310 triệu USD, tăng 47,6% về lượng và tăng 31,8% giá trị so với tháng 9 năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu hạt điều cả nước đạt 452.600 tấn, trị giá 2,59 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2022.

Xuất khẩu điều sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng mạnh, trong đó Trung Quốc ghi nhận mức tăng 42,3%, với kim ngạch 433,8 triệu USD, chỉ xếp sau Mỹ. Tính riêng tháng 9, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với giá trị xuất khẩu đạt 73,2 triệu USD, tăng đến 107,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 2023

Theo Kế hoạch, Công ty mẹ - PVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị trực thuộc: Giữ nguyên Trường Cao đẳng dầu khí (PVCollege) như hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động; giữ nguyên Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), nâng cao hiệu quả hoạt động; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp theo quy định; xây dựng phương án chuyển giao/cơ cấu lại Trường Đại học Dầu khí (PVU) khả thi phù hợp; giải thể Chi nhánh PVN - Công ty Điều hành đường ống Tây Nam bảo đảm phù hợp với định hướng chuyển nhượng phần vốn góp tại BCC Lô B - Ô Môn.

Đến hết năm 2025, hầu hết các doanh nghiệp thành viên là công ty cổ phần, mô hình tinh gọn.

Còn hơn 950.000 tỷ đồng để cho vay

Từ nay đến cuối năm, còn hơn 950.000 tỷ đồng cung ứng cho vay để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả cả năm.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra do các yếu tố khách quan như: Nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

Đưa cảng cạn thứ 3 của khu vực phía Nam vào khai thác

Tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ tổ chức lễ công bố Cảng cạn Phú Mỹ, đây là cảng cạn đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, là cảng cạn thứ 3 tại khu vực phía Nam.

Cảng cạn Phú Mỹ được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với năng lực hàng hóa thông qua cảng là 300.000 - 400.000 TEU.

Cảng gồm phân khu chính như: Khu bến thủy nội địa được bố trí dạng bến cầu dẫn và bến trụ, phía sau là đường bến cảng, khu kho hàng, kho lạnh và kho thu gom hàng lẻ (CFS). Tổng vốn đầu tư của cảng cạn Phú Mỹ hơn 2.992 tỷ đồng.

Thêm cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với Hàn Quốc

Vào ngày 31/10/2023, hai đoàn gồm 16 doanh nghiệp xuất khẩu đến từ quận Bukgu và thành phố Gwangju của Hàn Quốc sẽ có buổi giao thương trực tiếp (1:1) với các nhà nhập khẩu Việt Nam. Đây là hoạt động giao thương thường niên đã và đang mang lại hiệu quả tích cực đối với doanh nghiệp của hai nước. Sự kiện sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Tại sự kiện giao thương lần này, 16 nhà xuất khẩu Hàn Quốc từ hai đoàn doanh nghiệp sẽ giới thiệu các sản phẩm phong phú như mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm; đồ uống chiết xuất từ trái cây tươi; thực phẩm truyền thống Hàn Quốc; sản phẩm dệt may; thiết bị công nghệ cao như máy lọc nước tổng chuyên biệt cho bệnh viện, nông trường, trang trại, máy khử khuẩn; hóa chất tẩy rửa công nghiệp an toàn môi trường; Hệ thống phần mềm quản lý chuyên dụng…

Nhiều doanh nghiệp dệt may cắt giảm lao động

Do thiếu đơn hàng, đã có doanh nghiệp trong ngành dệt may phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động để giảm chi phí. Điển hình tại Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC), đến cuối quý III/2023 công ty chỉ còn 37 lao động, giảm gần 2.000 người so với đầu năm.

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, số lượng lao động của Garmex Sài Gòn tính đến cuối tháng 9 là 37 người. Trong khi hồi đầu năm, con số này là 1.982 lao động, tức giảm 1.945 người. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, GMC cắt giảm 1.828 việc làm.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương