Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/2/2024: Giá vàng nhẫn hôm nay tăng trở lại

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/2: Giá vàng nhẫn tăng trở lại; xuất khẩu đồ gỗ có dấu hiệu tích cực; 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam năm 2024…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 26/2/2024: Giá vàng ngày đầu tuần ổn định Giá vàng hôm nay 27/2/2024: Vàng tăng sốc lên đỉnh 79 triệu đồng/lượng

Vàng nhẫn hôm nay tăng trở lại

Ngược chiều với diễn biến trầm lắng trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước hôm nay tăng mạnh so với ngày hôm qua. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 77,00 triệu đồng/lượng mua vào và 78,90 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/2/2024: Giá vàng nhẫn hôm nay tăng trở lại
Giá vàng trong nước hôm nay tăng trở lại

Vàng nhẫn hôm nay cũng tăng trở lại. Hiện, vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu đang giao dịch quanh mức 64,88 triệu đồng/lượng mua vào và 65,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng thế giới hôm nay giảm nhẹ, với vàng giao ngay giảm 5,8 USD xuống 2.030,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.041 USD/ounce, giảm 8,35 USD so với rạng sáng qua.

Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất có dấu hiệu tích cực

Ngành đồ gỗ và nội thất dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đã có những điểm sáng về xuất khẩu và có dấu hiệu hồi phục, phát triển mạnh từ cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Năm 2023, mặc dù có một số thị trường có sự tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 52%... nhưng nhìn chung tình hình xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất chỉ đạt 16 tỷ USD, giảm 14,8% (giảm hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu chung là 4,6%).

Hà Nội dành hơn 400 ha để phát triển nhà ở xã hội

Theo Chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội, đến năm 2030 thành phố sẽ hoàn thành 3,74 triệu m2, phấn đấu triển khai 56.700 căn hộ xã hội cho người dân.

Đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; đến 2030 hoàn thành 2,5 triệu m2. Cộng với nhu cầu hiện nay, thành phố cần hoàn thành khoảng 6,8 triệu m2. Với nhu cầu lớn như vậy, Hà Nội chủ động dành hơn 400 ha để phát triển nhà ở xã hội.

Thành phố cũng đã chủ động bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 270 ha, hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 15.000 căn hộ. Đến nay, 4/5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, làm cơ sở để lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới dự án nhà ở xã hội.

Sẽ có 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam năm 2024

Dự báo có 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam đến cuối 2024, tăng gần 40% so với năm ngoái. Trước đó, tính đến cuối năm 2023, có 36 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam.

Ví điện tử là một trong các dịch vụ trung gian thanh toán, bên cạnh các dịch vụ khác như cổng thanh toán, chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, hỗ trợ thu hộ - chi hộ, theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010.

Lượng ví điện tử tiếp tục tăng mạnh nhờ duy trì đà tăng trưởng tốt thời gian qua. Giai đoạn 2018-2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%.

24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế ắc quy, bao bì

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm, lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì giấy (hỗn hợp, carton) sẽ phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

Sau hơn hai tháng, hiện có 24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế sản phẩm, bao bì. Danh sách này được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu chọn và hợp tác để thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam.

Theo đó, miền Bắc chiếm hơn một nửa, với 13 doanh nghiệp thuộc địa phương có khu công nghiệp lớn, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy là đơn vị duy nhất được ủy quyền tái chế ở phía Bắc.

Tại miền Nam, 11 doanh nghiệp được phép tái chế nằm ở Bình Dương, Long An và Bình Phước.

Doanh nghiệp cũng có thể chọn nhiều giải pháp khi tái chế. Chẳng hạn, săm lốp có thể tái chế làm làm lốp dán công nghệ cao, hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu.

Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ đầu năm 2025. Quy định tái chế áp với lĩnh vực ôtô, xe máy từ năm 2027.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương