Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 11/12/2023: Giá vàng miếng SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn đi ngang

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 11/12: Giá vàng miếng SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn đi ngang; đồng USD dần trở lại mốc 104; hàng hóa Tết dồi dào, nhiều khuyến mãi…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 10/12/2023: Giá vàng hôm nay đồng loạt giảm Giá vàng hôm nay 11/12/2023: Vàng tiếp tục xu hướng giảm

Giá vàng miếng SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn đi ngang

Giá vàng trong nước rạng sáng nay 11/12 ổn định quanh mức 73,90 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 72,87 triệu đồng/lượng mua vào và 73,90 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 11/12/2023: Giá vàng miếng SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn đi ngang
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 11/12/2023: Giá vàng miếng SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn đi ngang

Tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn sáng nay đi ngang so với hôm qua; giao dịch quanh mức 61,13 triệu đồng/lượng mua vào, 62,23 triệu đồng/lượng bán ra.

Trên thế giới, giá vàng hôm nay có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 1,5 USD so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước lên 2.006 USD/ounce.

Đồng USD dần trở lại mốc 104

Rạng sáng nay 11/12-2023, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 23.951 đồng. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 103,98.

Dự đoán xu hướng tỷ giá USD trong tuần này, giới chuyên gia nhận định: Chỉ số DXY đã nỗ lực phục hồi trở lại vào tuần trước, qua đó chấm dứt đà giảm kéo dài ba tuần. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng tốt, đặc biệt là vào phiên cuối tuần, sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm.

Phạt tới 150 triệu đồng Sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. Theo đó, dự thảo đề xuất mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi công khai không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi chậm công khai về quỹ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày phải công khai; phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi không công khai về quỹ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi không chuyển nộp hoặc trích lập quỹ theo quy định của pháp luậ; phạt tiền từ 120 - 150 triệu đồng với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng, kết chuyển hoặc hạch toán không đúng quỹ.

Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất

Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ trong tháng 11/2023 đạt mức cao nhất trong 1 năm qua, đạt 18 triệu USD, tăng 30,9% so với tháng 10/2023, nhưng giảm 3,0% so với tháng 11/2022.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 131,85 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ và EU từ Việt Nam có xu hướng giảm. Thị phần các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ và EU có xu hướng giảm.

Hàng hóa Tết dồi dào, nhiều khuyến mãi

Để kích cầu tiêu dùng dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá với nhiều mặt hàng.

Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.

Đến nay, một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

Thu hút FDI tăng chưa đến 3%

Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến ngày 20/11 đạt hơn 29 tỷ USD; vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ trước. Nếu tính vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu, thứ 2 là Hàn Quốc, thứ 3 là Trung Quốc.

Luỹ kế từ năm 1987 - thời điểm Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài FDI, đến ngày 20/11 năm nay, đã có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ tới đầu tư tại Việt Nam với hơn 38.800 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 462 tỷ USD; Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu số vốn đăng ký đầu tư và vốn thực hiện tại Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). So sánh trong khu vực, Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI vào ASEAN, xếp sau Singapore và Indonesia. Xu hướng các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam cũng ngày càng tích cực.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương