Điểm danh những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài

(Banker.vn) Tăng trưởng kinh tế bền vững; chất lượng nhân lực được cải thiện; hội nhập kinh tế sâu rộng… là những lợi thế vượt trội của Việt Nam trong thu hút FDI.
Vĩnh Phúc: Quý I, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 98,59% Xây dựng trung tâm dữ liệu hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài Thái Nguyên "mở rộng cửa" đón các nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có nhiều lợi thế của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó nổi bật là: Chính trị ổn định; tăng trưởng GDP nhanh và bền vững; chi phí đầu tư cạnh tranh; nguồn nhân lực ổn định và chất lượng; thị trường tiêu thụ 100 triệu dân và mức thu nhập trung bình ngày càng tăng lên; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; chính sách thu hút FDI cởi mở, thông thoáng và thuận lợi. Đặc biệt, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á, nối kết giữa thị trường Trung Quốc với thị trường ASEAN cũng như là Ấn Độ.

Thu hút đầu tư nước ngoài bất ngờ trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Trong ảnh: Nhà máy của NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam.
5 tháng đầu năm, có 1.227 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2023

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến hết tháng 5/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, 5 tháng đầu năm, có 1.227 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 50,8% so với cùng kỳ 2023. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết: Việc FDI đăng ký mới tăng mạnh cả về số dự án và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 chứng tỏ, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm, dòng vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, một lần nữa khẳng định, hiệu quả trong thu hút và sử dụng dòng vốn FDI tại Việt Nam.

Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2024, có 440 lượt dự án FDI tại Việt Nam điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,08 tỷ USD. Mặc dù giảm 9,3% về số dự án và giảm 8,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023, nhưng tháng 5/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm lớn nhất trong những tháng đầu năm 2024, gấp 2,8 lần tháng 4/2024; tăng 72% so với tháng 3/2024; gấp 4,1 lần so với tháng 2/2024 và gấp hơn 3,6 lần tháng 1/2024. Đây là tín hiệu cho thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 đang có sự cải thiện.

Những lợi thế vượt trội của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài
Nguồn lao động chất lượng là một trong những điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài

Chia sẻ tại sự kiện xúc tiến đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, không chỉ các nhà đầu tư châu Á, hiện môi trường đầu tư Việt Nam cũng đang tạo được sức hút với các nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ…

Cũng theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, rất nhiều các tập đoàn hàng đầu của châu Âu đến với Việt Nam và đang rất quan tâm đến Chiến lược Tăng trưởng xanh, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Một khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam tuy có khó khăn trước mắt, nhưng nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ vẫn sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Về định hướng thu hút FDI trong giai đoạn tới, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ thu hút FDI có chọn lọc, hướng đến các dự án chất lượng cao, chú trọng đến yếu tố môi trường và công nghệ, có giá trị tăng cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước và tạo được sức lan toả để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam sẽ hướng thu hút FDI vào các dự án thuộc lĩnh vực điện tử và bán dẫn, về năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D); kinh tế số, dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Để hiện thực hoá mục tiêu đó, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả 3 trụ cột về thu hút FDI liên quan đến cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hạ tầng.

Tính lũy kế đến tháng 5/2024, Việt Nam có 40.285 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 290,9 tỷ USD (chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,6 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,8 tỷ USD (chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư).

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương