“Điểm danh” những điểm nóng về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu

(Banker.vn) Biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất.
Ngăn chặn thuốc lá lậu cuối năm: Giải pháp nào là căn cơ, hiệu quả? Siết chặt kiểm tra, kiểm soát thuốc lá lậu ngay từ biên giới An Giang: Bị kiểm tra, tài xế chở 12.500 bao thuốc lá lậu bỏ lại phương tiện lao xuống sông tẩu thoát Long An: Bắt quả tang vụ vận chuyển hơn 10.000 bao thuốc lá lậu An Giang: Truy tìm đối tượng vận chuyển 12.500 bao thuốc

Báo cáo của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm, tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn, điểm nóng về hoạt động nhập lậu, tiêu thụ thuốc lá lậu: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng... “Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; địa bàn TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất và khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt - Lào” - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường Thân Đức Công thông tin và cho biết, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse...

“Điểm danh” những điểm nóng về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu
Hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ảnh: DMS

Như với địa bàn tỉnh Long An, thời gian qua, hoạt động vận chuyển thuốc lá nhập lậu tập trung tại khu vực biên giới Đức Huệ, Kiến Tường và huyện Đức Hoà. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu từ biên giới được chở bằng xuồng cao tốc trên sông Vàm Cỏ Đông đi qua địa bàn các xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông... rồi đưa về tập kết tại huyện Đức Hoà, sau đó được các đối tượng chia nhỏ, dùng xe máy để vận chuyển đưa đi các tỉnh, thành phố lân cận.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu hoạt động mạnh trên tuyến đường thuỷ, đường biển và khu vực giáp ranh An Giang - Kiên Giang và được các đối tượng nguỵ trang trên các phương tiện: Xe khách, xe tải, xuồng, ghe... để tuồn vào nội địa tiêu thụ.

Tại hai địa bàn tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoạt động buôn bán thuốc lá nhập lậu tuy không còn diễn ra công khai, nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ... trên các tuyến phố trọng điểm như: Tuyến đường Học Lạc (Quận 5, TP. Hồ Chí Minh), đường Trần Quốc Toàn (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh)...

Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá ngoại, xì gà, tập trung tại địa bàn các quận Hoàn Kiếm (các tuyến phố chuyên doanh về thuốc lá như: Nguyễn Siêu, Hàng Hành, Lê Thái Tổ…), quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa, quận Ba Đình.

“Điểm danh” những điểm nóng về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu
4 tháng đầu năm 2024, liên quan đến mặt hàng thuốc lá, quản lý thị trường cả nước đã tổng kiểm tra 291 vụ, xử lý 245 vụ vi phạm. Ảnh: DMS

Cũng theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, hiện nay phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp. Đơn cử như trên tuyến biển: Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động; sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.

Trên tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cũng là một trong những mặt hàng luôn được lực lượng kiểm tra, giám sát chặt. Bởi trên thị trường hiện nay, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin... diễn ra công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm. Thậm chí xuất hiện một số điểm bán hàng công khai trên thị trường; cá biệt, có một số điểm bán gần khu vực trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, thời gian qua, Quản lý thị trường đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023 lực lượng đã kiểm tra 1.491 vụ, xử lý 1.197 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, với số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 44.169 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 106.966 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 7 đồng, trị giá hàng hoá vi phạm gần 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, liên quan đến thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã có một số vụ việc kiểm tra, xử lý cũng như phối hợp với đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu thuốc lá để xác minh, làm rõ.

4 tháng đầu năm 2024, liên quan đến mặt hàng thuốc lá Quản lý thị trường cả nước đã tổng kiểm tra 291 vụ, xử lý 245 vụ vi phạm.

Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho rằng, với sự chủ động phối hợp của lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác, trong nội địa đã ngăn chặn được một số điểm nóng về thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng, khu vực công cộng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao do thuốc lá điếu ngoại nhập lậu mang lại nên tình hình nhập lậu thuốc lá về lâu dài vẫn diễn biến phức tạp, không loại trừ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh... Do vậy, đòi hỏi công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường cần duy trì thường xuyên, xuyên suốt.

Đưa ra giải pháp để góp phần ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản thị trường cho rằng, cần chú trọng công tác xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường; chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng đó, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng như: Công an, hải quan, biên phòng... rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục