Dịch vụ xuất khẩu nào được hưởng thuế suất 0%?

(Banker.vn) Một trong những vấn đề được quan tâm tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là quy định về thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo vào EU: Muốn hưởng thuế suất 0%, phải có vùng trồng ổn định Lô cà phê đầu tiên xuất sang EU hưởng thuế suất 0%: Cơ hội rộng mở Chuyển phân bón vào diện chịu thuế suất 5% vẫn còn băn khoăn

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Một trong những vấn đề được quan tâm tại dự thảo Luật là quy định về thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu.

thuế VAT
Thuế VAT

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, pháp luật hiện hành về thuế giá trị gia tăng quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% là các dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ, trừ một số loại hình dịch vụ như dịch vụ tài chính, chuyển nhượng vốn, bưu chính, viễn thông, chuyển giao công nghệ.

Dự thảo Luật sửa đổi nội dung này theo hướng dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% chỉ bao gồm chủ yếu là các dịch vụ trong lĩnh vực vận tải quốc tế để khắc phục khó khăn trong việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ. Với nội dung sửa đổi này, toàn bộ các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất sẽ không được áp dụng cơ chế thuế suất 0%.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tác động đến môi trường đầu tư, tác động đến chi phí của doanh nghiệp vì dự thảo Luật đã quy định nhiều dịch vụ không được hưởng thuế suất 0% như hiện hành; một số hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất không đồng tình với nội dung dự thảo Luật do các đối tượng này sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng trong khi không được áp dụng cơ chế hoàn/khấu trừ thuế đầu vào.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 0% đối với: Dịch vụ văn hoá giải trí, chuyển quyền sử dụng, quyền tác giả… để sử dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam; các hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp cho phía nước ngoài; một số ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, sản phẩm cung cấp trên nền tảng số khi xuất khẩu.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật đã thu hẹp, không cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với toàn bộ các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và một số các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác. Về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất không thể coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.

Nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ này thì các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ chế hoàn thuế/ khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ đầu vào) khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không có quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Kể cả trong trường hợp cơ chế hoàn hoặc khấu trừ thuế đầu vào được quy định bổ sung vào dự thảo Luật cho các doanh nghiệp chế xuất thì cũng sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và chi phí về dòng tiền nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh cho các doanh nghiệp nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng.

Với những hạn chế trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng trên thực tế hiện nay, chính sách này cần được cân nhắc thấu đáo và đánh giá đầy đủ các tác động liên quan.

"Do chưa lường hết các tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo đã thống nhất với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng chưa sửa nội dung này mà giữ như quy định hiện hành, tiếp tục áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất" - Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho hay.

Đồng thời, bổ sung quy định các dịch vụ này phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Theo hướng này, dự thảo Luật cũng được giữ như quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, đồng thời bổ sung nội dung để bảo đảm đúng nguyên tắc, chuẩn mực của thuế giá trị gia tăng và chặt chẽ trong áp dụng Luật.

Theo đó, các dịch vụ xuất khẩu phải bảo đảm là được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm cung cấp trên nền tảng số; các văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết về việc xác định địa điểm tiêu dùng phù hợp với bản chất của các hoạt động, giao dịch cụ thể. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý được thể hiện cụ thể tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật và được kết cấu lại để các quy định được thể hiện rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho thực hiện.

Riêng đối với các sản phẩm (có chứa nội dung số) được cung cấp trên nền tảng số, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau (được thể hiện theo 2 phương án tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định của Luật hiện hành đang cho phép các sản phẩm thuộc loại này khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và đây cũng là những lĩnh vực mà trong nước có thể xuất khẩu và cần được khuyến khích, vì vậy, đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu như quy định hiện hành.

Cơ quan soạn thảo đề nghị loại trừ, không áp dụng thuế suất 0% đối với “các sản phẩm có nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí” - như phim, ảnh, trò chơi, quảng cáo được cung cấp trên mạng ra quốc tế, khi xuất khẩu.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục