Địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác theo Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi và một số góp ý hoàn thiện

(Banker.vn)
Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ địa vị pháp lí của mô hình tổ chức kinh tế hợp tác theo Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác trên cơ sở so sánh với Luật Hợp tác xã năm 2012 và từ đó, đưa ra một số góp ý hoàn thiện về vấn đề này.

Từ khóa: Địa vị pháp lí, tổ chức kinh tế hợp tác, dự thảo, hoàn thiện.
 
LEGAL STATUS OF THE COOPERATIVE ECONOMIC ORGANIZATION UNDER THE DRAFT LAW ON AMENDED COOPERATIVES AND RECOMMENDATIONS
 
Abstract: The article focuses on clarifying the legal status of the cooperative economic organization model under the Draft Law on Cooperative Economic Organizations on the basis of comparison with the Law on Cooperatives in 2012 and thereby proposing some recommendations for completion.

Keywords: Legal status, cooperative economic organization, draft, completion.

1. Đặt vấn đề
 
Luật Hợp tác xã năm 2012 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách phát luật về hợp tác xã nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Sau hơn 10 năm thi hành các chính sách của Luật Hợp tác xã, mô hình này trên thực tế đã có sự thay đổi rõ rệt, điều đó thúc đẩy kinh tế khu vực vùng nông thôn phát triển, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã dẫn đến tình trạng một số địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn hợp tác xã thực hiện địa vị pháp lí của mình. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
 


Phát triển kinh tế hợp tác xã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
 
2. Những quy định chung về địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác

Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác có một sự thay đổi lớn ở tên gọi và đối tượng điều chỉnh so với Luật Hợp tác xã năm 2012. Thuật ngữ “Hợp tác xã” theo Luật Hợp tác xã năm 2012 được thay bằng “Tổ chức kinh tế hợp tác” ở Dự thảo. Được xây dựng trên cơ sở sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và bổ sung các đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã, Dự thảo nhằm mong muốn xây dựng khung pháp lí đồng bộ, thống nhất cho các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác. Về nguyên tắc, tên Luật phải bao quát và phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; do vậy, việc đổi tên Luật là điều cần thiết. Việc đổi tên từ Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định về quyền sở hữu tại Bộ luật Dân sự năm 2015; đồng thời, nhấn mạnh tính “hợp tác” giữa các thành viên. Ngoài ra, việc đổi tên Luật giúp thống nhất nhận thức về sự phát triển đa dạng các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác kiểu mới, xóa bỏ tâm lí e ngại đối với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tạo sức hút cho người dân tham gia, đồng thời giúp tạo động lực mới cho sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với xu hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng của các tổ chức kinh tế hợp tác vào nền kinh tế thị trường.

Tổ chức kinh tế hợp tác là một khái niệm hoàn toàn mới được thêm vào Dự thảo tại khoản 26 Điều 4, theo đó: “Tổ chức kinh tế hợp tác là tổ chức kinh tế do các cá nhân, pháp nhân đăng kí thành lập theo quy định của Luật này và hợp tác tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã1. Theo khái niệm này, tổ chức kinh tế hợp tác không chỉ có hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà còn có thêm tổ hợp tác và liên đoàn hợp tác xã. Đây là một sự thay đổi phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo hướng “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...)”; phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên của Liên minh Hợp tác xã. Đồng thời, đây cũng là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; dần xóa bỏ định kiến đối với hợp tác xã kiểu cũ.

Theo Dự thảo quy định, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Để được công nhận là pháp nhân, tổ chức kinh tế hợp tác cần phải hội đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập2. Về nguyên tắc tổ chức, quản lí và hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác đã được Dự thảo ghi nhận tại Điều 9, sửa đổi Điều 7 của Luật Hợp tác xã năm 2012. Có thể thấy, việc quy định nguyên tắc tổ chức, quản lí và hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác trong Dự thảo có phần tinh gọn hơn nhưng không kém đi sự rõ ràng so với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Về địa vị pháp lí của các tổ chức kinh tế hợp tác, đây có thể hiểu là tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể này được pháp luật quy định, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của các tổ chức kinh tế hợp tác trong các hoạt động của mình. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác được Dự thảo ghi nhận tại Điều 10 và Điều 11 sửa đổi, bổ sung Điều 8, Điều 9 của Luật Hợp tác xã năm 2012. Cụ thể:

Về quyền, theo Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, quyền của tổ chức kinh tế hợp tác được quy định tại Điều 10 của Dự thảo. So với Luật Hợp tác xã năm 2012, việc quy định về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có một số điểm mới như sau:

Một là, khoản 3 Điều 8 Luật Hợp tác xã năm 2012 cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng kí nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên. Đến Dự thảo, tại khoản 3 Điều 10 quy định này được sửa đổi. Tổ chức kinh tế hợp tác vẫn có quyền sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, nhưng phạm vi ngành, nghề được mở rộng hơn là “ngành, nghề mà pháp luật không cấm”; trong khi đó, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì chỉ được phép hoạt động sản xuất “theo ngành, nghề đã đăng kí”. Điểm mới này của Dự thảo giúp các tổ chức kinh tế hợp tác không bị giới hạn bởi phạm vi ngành, nghề được phép kinh doanh như trước là chỉ được thực hiện những ngành, nghề đã đăng kí, nhờ đó chủ động tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn, đem lại nguồn thu lớn cho tổ chức kinh tế hợp tác.

Hai là, Dự thảo đã ghi nhận thêm quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác tại khoản 4 Điều 10, theo đó, tổ chức kinh tế hợp tác có quyền yêu cầu thành viên cung cấp nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên. Quy định này chưa được Luật Hợp tác xã năm 2012 điều chỉnh. Sự ghi nhận này đánh giá được mức độ dân chủ trong hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác, giúp củng cố và khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu đời sống của từng thành viên theo các nguyên tắc đã định sẵn.

Ba là, tại khoản 6 Điều 10 Dự thảo có quy định, tổ chức kinh tế hợp tác có quyền cung cấp dịch vụ, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa vì mục tiêu chăm lo đời sống của thành viên, cộng đồng và phát triển bền vững. Đây cũng là quyền mới được ghi nhận trong Dự thảo, cho thấy một bước phát triển mới trong tư duy của các nhà làm luật khi đã bắt đầu chú trọng hơn đến đời sống văn hóa tinh thần của các thành viên, đây là một hướng nhìn nhận toàn diện, mới mẻ của Dự thảo. Điều này sẽ tạo động lực mới để các thành viên luôn giữ vững tinh thần hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế ở địa phương, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội, giữ vững chính trị,…

Bốn là, theo Luật Hợp tác xã năm 2012, khoản 11 Điều 8 ghi nhận hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền “tham gia các tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã3”, quy định này không được ghi nhận ở Dự thảo. Do vậy, theo quy định mới của Dự thảo thì các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ không có quyền tham gia các tổ chức đại diện của tổ chức kinh tế hợp tác.

Về nghĩa vụ, theo Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác được quy định tại Điều 11 của Dự thảo. So với Luật Hợp tác xã năm 2012, việc quy định về nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có một số điểm mới như sau:

Một là, khoản 2 Điều 11 Dự thảo quy định tổ chức kinh tế hợp tác có nghĩa vụ kết nạp thành viên khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật này, điều lệ và quy định pháp luật có liên quan. Đây là một quy định mới, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa ghi nhận. Với quy định này đã xác định trách nhiệm tổ chức kinh tế hợp tác là phải chú trọng thực hiện mục tiêu không ngừng phát triển, mở rộng thêm thành viên nếu thành viên đó đáp ứng đủ điều kiện pháp luật. Điều này giúp các tổ chức kinh tế hợp tác hạn chế được việc bỏ lỡ đi những thành viên có tiềm năng, có nền tảng vững chắc, đóng góp, củng cố được nhiều vị trí quan trọng trong tổ chức.

Hai là, nghĩa vụ thực hiện cam kết kinh tế giữa tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân với thành viên, đáp ứng nhu cầu của thành viên trước khi phục vụ khách hàng bên ngoài không phải là thành viên, đây cũng là nghĩa vụ mới, ghi nhận tại khoản 4 Điều 11 Dự thảo. Sự bổ sung này trước hết mang ý nghĩa hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác ở Luật Hợp tác xã năm 2012. Bên cạnh đó, quy định mới này giúp các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác được phát triển một cách bền vững, hiệu quả, đáp ứng đúng mục đích đề ra ban đầu là hỗ trợ cùng nhau phát triển tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích cho các thành viên và xã hội; không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ba là, tổ chức kinh tế hợp tác phải tham gia là thành viên của liên minh hợp tác xã. Nghĩa vụ này được Dự thảo quy định tại khoản 12 Điều 11. Đây tiếp tục là sự ghi nhận mới. Điều này đã cho thấy rằng, các nhà làm luật cực kỳ chú trọng đến việc tham gia vào liên minh hợp tác xã của các tổ chức kinh tế hợp tác và việc tham gia là bắt buộc đối với mọi tổ chức kinh tế hợp tác. Nghĩa vụ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của hợp tác xã, chỉ khi có sự tập trung, gắn kết giữa các tổ chức với nhau thành một liên minh lớn mạnh, vững vàng thì vị trí của hợp tác xã đối với sự phát triển của xã hội mới càng được củng cố, khẳng định.

Bốn là, tổ chức kinh tế hợp tác sẽ không còn thực hiện hai nghĩa vụ là hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng kí; thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên4. Quy định này có ý nghĩa tạo ra sự thống nhất trong cách điều chỉnh với từng vấn đề trong Dự thảo, chẳng hạn như đối với quyền, tổ chức kinh tế hợp tác được sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, mà không phải là chỉ được sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng kí. Do vậy, khi quy định về nghĩa vụ trong Dự thảo cũng cần có sự tương thích phù hợp như vậy, đó chính là sự thống nhất trong cách quy định của Luật.

Như vậy, với những quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác được Dự thảo ghi nhận, có thể thấy rằng, hướng hoàn thiện về địa vị pháp lí đối với tổ chức kinh tế hợp tác của Dự thảo là điều cần thiết, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Thực trạng thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với địa vị pháp lí của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Sau hơn 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay mô hình hợp tác xã có sự thay đổi cả về lượng và chất. Trên thực tế, nhiều hợp tác xã có quy mô phát triển tương đương hoặc lớn hơn cả doanh nghiệp quy mô vừa. Điều đó thúc đẩy kinh tế khu vực vùng nông thôn phát triển, tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn. Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, năm 2022, cả nước đã thành lập mới được 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đến nay, cả nước có tổng cộng 29.021 hợp tác xã, trong đó có 19.384 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%. Các hợp tác xã thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã khoảng 54,15 nghìn tỉ đồng, bình quân 1,86 tỉ đồng/hợp tác xã. Tổng giá trị tài sản của các hợp tác xã khoảng 187,75 nghìn tỉ đồng, bình quân 6,5 tỉ đồng. Cả nước hiện có 125 liên hiệp hợp tác xã (có 17 liên hiệp hợp tác xã được thành lập mới), trung bình có 6 hợp tác xã tham gia liên hiệp hợp tác xã, tạo việc làm cho 39.750 lao động. Doanh thu bình quân của các liên hiệp hợp tác xã là 258 tỉ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỉ đồng/năm. Một số liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn như: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), doanh thu 32.000 tỉ đồng/năm, Liên hiệp Hợp tác xã nông sản an toàn Sơn La, Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop); Liên hiệp Hợp tác xã Artermia Vĩnh Châu, Liên hiệp Hợp tác xã chế biến - xuất khẩu thanh long xuất khẩu Bình Thuận... Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng về số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững5.

Kinh tế hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, chứng tỏ rằng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn đang làm thực hiện tốt địa vị pháp lí của mình trong cộng đồng.

Đồng thời, việc triển khai vận dụng tối đa các quyền và nghĩa vụ của mình, hợp tác xã đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân; giảm bớt gánh nặng thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhiều địa phương đã chủ động vận dụng các quyền như cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên; tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… trên địa bàn để hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động đúng bản chất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vùng có số lượng hợp tác xã chưa chuyển đổi, đăng kí lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 tương đối cao: Vùng Đông Bắc còn 870 hợp tác xã (chiếm 32,1% số hợp tác xã phải chuyển đổi, đăng kí lại), vùng Tây Bắc còn 231 hợp tác xã (chiếm 41,2%)6. Bên cạnh đó, tình hình phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chỉ có một số ít các hợp tác xã tiếp cận được các chính sách, pháp luật để có thể vận dụng tối đa địa vị pháp lí của mình trong quá trình tổ chức hoạt động; một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai cho các thành viên hợp tác xã hiểu rõ về vai trò cũng như địa vị pháp lí của mình, dẫn đến việc là có nơi còn nhầm lẫn giữa sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên và sản phẩm, dịch vụ do thành viên hợp tác xã sản xuất cung ứng ra thị trường; việc góp vốn của các thành viên hợp tác xã vẫn còn hạn chế, có nhiều hợp tác xã lấy chính giá trị tài sản chung của hợp tác xã chia cho tổng số thành viên hiện có của hợp tác xã để làm thành số vốn tối thiểu của thành viên.

Nhiều hợp tác xã chưa hoạt động đúng ngành nghề đã đăng kí; chưa có những chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên, hợp tác xã thành viên một cách bài bản, có kế hoạch; kế hoạch quản lí, sử dụng vốn còn chưa hợp lí dẫn đến việc vẫn còn có sản phẩm chưa đạt chất lượng, chưa truy xuất được nguồn gốc; sản xuất của một số hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với thị trường; thiếu đội ngũ nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng,...

Để phát triển mô hình kinh tế tập thể ngày càng vững mạnh trong thời gian tới, cần tập trung xúc tiến công tác hỗ trợ, đặc biệt là mau chóng hoàn thiện Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và tạo hành lang pháp lí thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác7.

3. Một số góp ý hoàn thiện quy định địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác

Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác mặc dù có nhiều điểm mới nổi bật trong cách quy định địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác, đã góp phần giải quyết các khó khăn, bất cập còn tồn tại khi áp dụng Luật Hợp tác xã năm 2012 trên thực tế, nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, một số nội dung trong vấn đề địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác của Dự thảo hiện tại vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Do đó, bằng việc chỉ ra một số điểm còn thiếu sót trong quy định của Dự thảo, nhóm tác giả đưa ra một số góp ý, cụ thể:

Một là, tiếp tục ghi nhận quyền “Tham gia các tổ chức đại diện của tổ chức kinh tế hợp tác” (khoản 11 Điều 8 Luật Hợp tác xã năm 2012). Sở dĩ quyền được tham gia các tổ chức đại diện vẫn nên là một quyền dành cho tổ chức kinh tế hợp tác, bởi vì nếu gia nhập vào tổ chức đại diện, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên tổ chức sẽ được bảo vệ một cách tốt nhất, không chỉ vậy, còn giúp xây dựng quan hệ hợp tác trong tổ chức kinh tế hợp tác trở nên tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Hai là, tiếp tục ghi nhận nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác là “Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa các thành viên với tổ hợp tác, hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên, liên đoàn hợp tác xã với liên hiệp hợp tác xã thành viên”. Nghĩa vụ này là một quy định hết sức cần thiết vì việc thực hiện hợp đồng dịch vụ sẽ giúp cho việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ do các thành viên trong tổ chức sản xuất ra thông qua một số hoạt động được ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ như: Mua chung sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để phục vụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên; bán chung sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên ra thị trường; mua sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên để bán ra thị trường; mua sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để bán cho thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên; cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng kĩ thuật phục vụ thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên; tín dụng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, liên hiệp hợp tác xã thành viên,…

Ba là, bổ sung nghĩa vụ đối với tổ chức kinh tế hợp tác là “Xây dựng nguồn nhân lực đủ trình độ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác và liên đoàn hợp tác xã”. Chỉ khi nghĩa vụ này được thực hiện thì chất lượng của tổ chức kinh tế hợp tác mới có thể ngày càng được nâng lên khi mà các chính sách, pháp luật được thực thi một cách đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả nhất.

Bốn là, bổ sung nghĩa vụ “Thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương” đối với tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Việc bổ sung này sẽ giúp nâng cao địa vị pháp lí cũng như làm tăng trách nhiệm quản lí của các tổ chức kinh tế hợp tác, đồng thời giúp nâng cao ý thức về tiềm năng phát triển cho chính các tổ chức kinh tế hợp tác, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Kết luận

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 2003) và Thông điệp gửi phong trào hợp tác xã quốc tế, Tổng Thư kí Liên hợp quốc đánh giá: “Hợp tác xã là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”8. Như vậy, tổ chức kinh tế hợp tác giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, là cơ sở cho ổn định chính trị, phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2012 hiện nay đã cho thấy những bất cập, khó khăn khi áp dụng để điều chỉnh các hoạt động phát sinh từ mô hình kinh tế này, trong đó có vấn đề địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác. Do vậy, việc hoàn thiện Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là việc làm cấp thiết. Bên cạnh những điểm mới, các sửa đổi, bổ sung quan trọng và được đánh giá là nổi bật, phù hợp thì vẫn còn nhiều nội dung chưa thật sự hoàn thiện. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lí của tổ chức kinh tế hợp tác trong Dự thảo; từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của các tổ chức kinh tế hợp tác trên thực tế là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
 
Khoản 26 Điều 4 Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015
Khoản 11 Điều 8 Luật Hợp tác xã năm 2012
Khoản 3, khoản 4 Luật Hợp tác xã năm 2012
Thục Quyên (2022), “Thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian qua”, https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-trong-thoi-gian-qua.html, truy cập ngày 10/3/2023
6 Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2020), “Thực trạng áp dụng Luật Hợp tác xã sau gần 10 năm thực hiện: Những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM184664, truy cập ngày 10/3/2023
Thanh Tùng (2022), “Tạo hành lang pháp lí thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác”, https://baotainguyenmoitruong.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-thong-thoang-cho-su-phat-trien-cua-cac-to-chuc-kinh-te-hop-tac-343876.html, truy cập ngày 12/3/2023
 Nguyễn Xuân Phúc (2022), Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, https://vca.org.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-la-tat-yeu-khach-quan-co-y-nghia-chien-luoc-va-lau-dai-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-o-nuoc-ta-a27755.html, truy cập ngày 14/3/2023
 
Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Luật Hợp tác xã năm 2012.
3. Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
4. Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2020), “Thực trạng áp dụng Luật Hợp tác xã sau gần 10 năm thực hiện: Những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM184664, truy cập ngày 10/3/2023.
5. Nguyễn Xuân Phúc (2022), “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, https://vca.org.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-la-tat-yeu-khach-quan-co-y-nghia-chien-luoc-va-lau-dai-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-o-nuoc-ta-a27755.html, truy cập ngày 14/3/2023.
6. Thục Quyên (2022), “Thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian qua”, https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-trong-thoi-gian-qua.html, truy cập ngày 10/3/2023.
7. Thanh Tùng (2022), “Tạo hành lang pháp lí thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác”, https://baotainguyenmoitruong.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-thong-thoang-cho-su-phat-trien-cua-cac-to-chuc-kinh-te-hop-tac-343876.html, truy cập ngày 12/3/2023.
 
Nguyễn Thị Kim Anh (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)
ThS. Phạm Thị Hải Vân (Trường Đại học Phan Thiết)
ThS. Trịnh Tương Khiêm (Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh)
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng