Nhân sự địa phương: Sáp nhập hai ban Đảng; bổ nhiệm lãnh đạo công an tỉnh, thành phố Đặt tên địa phương sáp nhập: Giữ truyền thống hay tạo dấu ấn mới? |
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 45-CT/TW ngày 14/4 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong đó, có quy định về cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
Địa phương sáp nhập từ 2 tỉnh, thành phố không quá 450 đại biểu
Theo đó, số lượng đại biểu đại hội đảng bộ các cấp như sau:
Các Đảng bộ, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương từ 250 đến 450 đại biểu; Đảng bộ Công an Trung ương từ 300 đến 350 đại biểu; Đảng bộ Quân đội không quá 450 đại biểu.
Các đảng bộ tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập: Địa phương sáp nhập từ 2 tỉnh, thành phố không quá 450 đại biểu; địa phương sáp nhập từ 3 tỉnh, thành phố không quá 500 đại biểu; Thành phố Hồ Chí Minh không quá 550 đại biểu.
![]() |
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
Các đảng bộ tỉnh, thành phố không hợp nhất, sáp nhập không quá 400 đại biểu; Nghệ An, Thanh Hoá không quá 500 đại biểu; Hà Nội không quá 550 đại biểu.
Đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương không quá 300 đại biểu.
Đối với đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập thì số lượng đại biểu đại hội không quá 250.
Đảng bộ cơ sở không quá 250 đại biểu
Đảng bộ cơ sở, được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở, không quá 250 đại biểu. Các đảng bộ có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu, số lượng đại biểu do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định.
Các đảng bộ có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên. Trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu có khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý, thì tổ chức đại hội đại biểu; số lượng đại biểu do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định.
Cơ bản giữ ổn định số lượng, cơ cấu đại biểu ở khối địa phương và bảo đảm có từ 1 đến 2 đại biểu ở mỗi ngành, lĩnh vực quan trọng (không tính đại biểu đương nhiên) để nâng cao chất lượng thảo luận tại đại hội.
Việc bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên phải căn cứ vào Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp về số lượng, cơ cấu đại biểu đại hội đảng bộ các cấp.
Đại hội đảng bộ các cấp được bầu một số đại biểu dự khuyết để thay thế đại biểu chính thức vắng mặt, số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội quyết định.
Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. |