Đi tìm nguyên nhân "ảm đạm" của thị trường chứng khoán thời gian qua

(Banker.vn) Chuyên gia cho rằng, chứng khoán là kênh duy nhất cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp, trong khi các kênh tài sản và huy động vốn gần như bị đóng băng. Nhìn vào số dư nợ margin của toàn thị trường trong quý 3 là minh chứng cho điều đó. Điều này dẫn đến áp lực bán ở kênh cổ phiếu tăng lên và áp lực giải chấp khiến thị trường sụt giảm mạnh.

Chia sẻ tại “Investment Day Q4 2022”, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua thời gian khốc liệt với mức giảm xấp xỉ 40%, mức giảm rất mạnh so với quá khứ.

Đi tìm nguyên nhân

Bởi trong các chu kỳ vào giai đoạn năm 2008, 2011 hay 2020, bình quân chung thị trường cũng chỉ mất khoảng 35%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm có thời điểm VN-Index giảm khoảng 43%, sau 2 phiên hồi phục, mức giảm thu hẹp xuống còn 36 – 37%.

Trong bối cảnh thị trường giao dịch trong trạng thái tiêu cực, nhà đầu tư đặt câu hỏi vì sao mức giảm đợt này lớn như vậy, liệu chu kỳ giảm này có khác gì giai đoạn 2010 – 2011. Để giải đáp diễn biến tiêu cực của thị trường, ông Tuấn phân tích về bức tranh vĩ mô của Việt Nam.

Thứ nhất về lạm phát, áp lực không quá lớn nếu so sánh giữa năm 2022 và thời điểm năm 2011. Quan điểm trên được đưa ra dựa trên tương quan của giá lợn, giá gạo, giá xăng dầu của cả hai thời điểm.

Đi tìm nguyên nhân

Thời điểm đó, bối cảnh vĩ mô của Việt Nam rất xấu với lạm phát, lãi suất và tỷ giá đồng loạt tăng mạnh. Trong khi hiện tại, các chỉ số vĩ mô của chúng ta vẫn duy trì ổn định với lạm phát thấp, chỉ duy nhất áp lực tỷ giá tương đương thời điểm đó.

Thời điểm hiện tại, bức tranh vĩ mô của chúng ta tươi sáng hơn khi lạm phát vẫn trong ngưỡng kiểm soát, lãi suất dù tăng khá mạnh, nhưng so với mức lãi suất xấp xỉ 20% của năm 2011 vẫn chưa có gì đáng ngại. Mặc dù tỷ giá hiện tại dù tăng mạnh, nhưng không tệ hơn giai đoạn trước nếu đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn. Bởi mức tỷ giá năm nay dù biến động nhưng so với các nước khu vực vẫn mạnh, còn hiệu chỉnh tỷ giá năm 2011 yếu hơn khu vực rất nhiều.

Thứ hai là chính sách tiền tệ, năm 2011 chứng kiến lạm phát cao khi tăng trưởng tín dụng gần 40%, cung tiền tăng trên 20%, giá trị tiền đồng Việt Nam giảm giá khoảng 7%. Trong tất cả các yếu tố trên thì năm 2022 có điểm tương đồng đó là tỷ giá.

Về những yếu tố vĩ mô khác, đầu tư công giai đoạn này cao hơn so với năm 2011, tài khoản vãng lai dưỡng trong khi năm 2011 là rất lớn. Xét tổng quan, vĩ mô đang có sự ổn định hơn, phân tích những yếu tố nòng cốt của lạm phát cũng cho thấy áp lực không quá lớn cho năm 2022, ông Lê Anh Tuấn đưa quan điểm.

Yếu tố vĩ mô thứ hai được quan tâm đó là lãi suất. Mặt bằng lãi suất đang thay đổi nhanh và mạnh. Hiện lãi suất tiền gửi ngân hàng bình quân khoảng 7,5 – 8,5%, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2011. Thời điểm đó lãi suất thậm chí tăng lên 20%.

Liên quan đến tỷ giá, yếu tố này hiệu chỉnh tương đối mạnh nhưng nếu so sánh với khu vực vẫn đang thấp hơn nhiều. Có nghĩa là trong khu vực, Việt Nam đồng vẫn đang mạnh hơn so với nhiều đồng tiền khác.

Từ những phân tích của chuyên gia Dragon Capital cho thấy rằng, nền tảng vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn này đang có sự khác biệt theo chiều hướng tích cực như so với năm 2011. Vậy tại sao chứng khoán giảm? Theo ông Lê Anh Tuấn, vấn đề cốt lõi khiến chứng khoán giảm đó là cung tiền. Nếu nhìn từ năm 2005 đến nay, cung tiền chỉ tăng 6,5% - mức tăng thấp nhất trong lịch sử 20 năm vừa qua.

Một lý do khác khiến thị trường giảm sâu đó là trái phiếu “đóng băng” trong 3 – 4 tháng gần đây. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực từ hai phía đó là thị trường trái phiếu và cung tiền. Bên cạnh đó, thời gian gian qua, ông Tuấn cho rằng chứng khoán là kênh duy nhất cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp, trong khi các kênh tài sản và huy động vốn gần như bị đóng băng. Nhìn vào số dư nợ margin của toàn thị trường trong quý 3 là minh chứng cho điều đó.

Điều này dẫn đến áp lực bán ở kênh cổ phiếu tăng lên và áp lực giải chấp khiến thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn ở mức khá tốt với giá trị giao dịch gấp 3 lần so với năm 2018 - 2019.

“Kết luận nền tảng của nền kinh tế chúng ta chắc chắn là vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng trước. Tuy nhiên thanh khoản giảm khá đột ngột khiến nền kinh tế có những cú sốc hoặc là những cú kỳ vọng những chính sách có thể xảy ra dẫn tới nền kinh tế đâu đó có sự khó đoán hơn. Tuy vậy, tôi cho rằng đây là những vấn đề mang tính chính sách. Chỉ cần chúng ta có những thay đổi chính sách nhất định thì vấn đề này sẽ được giải quyết”, ông Lê Anh Tuấn khẳng định.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục