Đi qua mùa giông bão

(Banker.vn) Đã hai năm kể từ ngày đó, tôi mới thấy người anh mà tôi trân quý nói chuyện lại với tôi. Sai lầm năm đó của tôi khiến anh mất rất nhiều tiền. Nói chính xác hơn là mất cơ hội chục năm có một để kiếm được tiền. Nhưng nhìn lại gần 3 năm trôi qua có thể nói đó là quãng thời gian vừa ngọt ngào, vừa giông bão đối với các nhà đầu tư.

Hồi ức về một lần được thần may mắn "ghé thăm" khi Long - Short

Tôi đã “rơi từ đỉnh” thị trường chứng khoán như thế nào?

Rồi thị trường sẽ qua cơn bĩ cực

Dòng tiền "điên rồ" và may mắn của những người liều

Covid-19 xảy ra, điều đầu tiên là nó tàn sát thị trường tài chính vốn đang yên thành loạn. VnIndex từ vùng gần 1.000 điểm về mốc 650 điểm. Tôi cho rằng cảnh này là đúng, thị trường chứng khoán đúng là phong vũ biểu của nền kinh tế khi hàng loạt dấu hiệu đau đớn của nền kinh tế đã hiện rất rõ: Hàng loạt doanh nghiệp hàng không phải "dừng bay"; Dòng hàng hoá, lưu thông khó khăn; Các nước liên tục ném tiền vào nền kinh tế theo cách người ta dùng từ "tiền trực thăng" để mô tả. Cũng từ quăng tiền vào nền kinh tế nhiều, kẻ thường xuyên tự vỗ ngực xem mình hiểu sâu nền kinh tế, hiểu sâu các cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới từ các mô hình trong quá khứ như tôi đã vỗ ngực khẳng định: lạm phát sẽ cao khủng khiếp và giảm phát còn đáng sợ hơn giảm.

Rõ ràng, những điều tôi kỳ công chi ly nghiên cứu đều đúng không có kẽ hở, vì sao bài toán tôi giải đi giải lại trăm lần vẫn sai so với những thứ đang diễn ra?
Rõ ràng, những điều tôi kỳ công chi ly nghiên cứu đều đúng không có kẽ hở, nhưng bài toán tôi giải đi giải lại trăm lần vẫn sai so với những thứ đang diễn ra. Ảnh minh họa

Bài viết này sẽ chẳng như cuốn sách kinh tế để tôi - một người gặp sai lầm năm đó- lý luận rằng mình đúng, cả thế giới sai. Tôi đã quá tự tin và đã không nhận ra một điều: Khi tất cả đều tin chứng khoán sẽ tăng, tất cả đều rót tiền thì tiền đó, chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn mớ lý thuyết suông của tôi.

Anh tôi - một "cá mập" trên thị trường chứng khoán đã gọi điện cho tôi. Tôi nhớ chính xác hôm đó là là chiều tối ngày 24/3/2020 khi Vn-Index trải qua phiên mấy phiên giảm sâu và đó là phiên ít giảm hơn, đẩy chỉ số về 650 điểm. Anh nói, anh vừa mua cổ phiếu, các nguồn tin của anh cho thấy tiền nộp vào các công ty chứng khoán rất nhiều…Tôi nhận ra, anh cũng ngờ vực. Mua lúc đó đúng hay sai? Là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chắc chắn ít nhiều anh cũng cảm nhận nền kinh tế thật giống như tôi và khi mua cổ phiếu ở nền giá 650 điểm của VnIndex chính bản thân anh cũng nghi ngờ. Tôi dành nguyên 3 tiếng đồng hồ liên tục phân tích nền kinh tế, tác động của dịch bệnh, các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ- dấu hiệu nhận biết và dấu hiệu chống đỡ...cho anh.

Và anh quyết định rất nhanh, cổ phiếu vừa về tài khoản, anh bán tất cả.

Như tôi, anh chọn ở ngoài thị trường.

Như tôi, sau đó anh nhìn thấy dòng tiền điên cuồng đẩy hết cổ phiếu này đến cổ phiếu khác x đôi, x ba, x năm, x bảy chỉ trong thời gian ngắn.

Doanh nghiệp đình trệ kinh doanh vì Covid-19 cũng dốc hết tiền tích luỹ ra lao vào thị trường chứng khoán đang sục sôi. Lợi nhuận tiền nghìn, tiền trăm tỷ trên báo cáo kết quả kinh doanh là chuyện nhỏ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng báo lãi rất lớn khiến nhà đầu tư ảo giác trong khi sản xuất kinh doanh thật tăng trưởng không đáng kể. Nhà đầu tư nhìn những con số lợi nhuận ma mị đó và trả giá ngày càng cao để sở hữu cổ phiếu.

Tôi như kẻ bị nền kinh tế này bỏ rơi, một mình đứng giữa dòng xoáy đồng tiền xung quanh làm mọi thứ diễn biến ngược với tư duy bản thân mình để rồi thấy lạc lõng. Có lúc, tôi mất tự tin vào chính mình. Rõ ràng, những điều tôi kỳ công chi ly nghiên cứu đều đúng không có kẽ hở, vì sao bài toán tôi giải đi giải lại trăm lần vẫn sai so với những thứ đang diễn ra? Tôi không hiểu. Xung quanh tôi, nhiều người giàu lên nhanh chóng.

Tôi lao vào lùng sục. Phải dùng từ lùng sục mới đúng, lý do để thuyết phục chính bản thân mình tin rằng mình sai về những gì đang diễn ra cũng không cách gì làm được. Lúc này, tôi tin, nền kinh tế đang hiện ra trước mắt tôi năm 2020-2021 chỉ như quả bóng, được các tay chơi thổi bùng to ra và mọi người thoả sức đá.

Bạn bè bỏ rơi

Sự khủng hoảng của tôi đến giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ hãi. Biết tôi lăn lộn trên thị trường chứng khoán mấy chục năm, bạn bè, người thân, thậm chí bạn bè của bạn bè, người quen của người thân thường xuyên hỏi tôi xem nên cắm sổ đỏ mua cổ phiếu không? Nên rút tiết kiệm mua cổ phiếu không? Và đều nhận câu trả lời từ tôi là không.

Họ nhìn những người khác giàu lên, trông tôi vẫn ổn, họ nghĩ, tôi đã âm thầm tự làm giàu mà không chia sẻ cơn lốc kiếm tiền tuyệt đỉnh cả xã hội đang làm được cho họ. Vài người bắt đầu dừng nói chuyện với tôi, dừng nghe tôi ngăn cản. Họ lao vào vòng xoáy kiếm tiền.

2021, lớp tôi cũng lập một quỹ để đầu tư và đương nhiên ban đầu tôi cũng được điểm mặt chỉ tên trong trào lưu đưa cả lớp làm giàu. Tôi từ chối, tôi cũng đứng ngoài. Lớp tôi lúc đó cũng có bạn môi giới tại công ty chứng khoán và cũng như bao người, quỹ của cả lớp góp được gấp thếp nhanh chóng nhờ những chiêu full margin, chốt lãi T+3 khi thị trường uptrend.

Ai cũng vui cho đến khi bóng vỡ.

Còn tôi, lạc lõng.

Tôi chứng kiến rất nhiều bạn bè tôi ở lứa tuổi rực rỡ nhất của thanh xuân, đem hết sổ tiết kiệm, cắm sổ đỏ để đầu tư. Những người giàu nhanh nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.

Từ đầu năm 2022, thị trường bắt đầu khó "ăn", sàng lọc những tay mơ. Đồng tiền dễ kiếm từ full margin, T+3, vay kho full margin…đã quay đầu thành dễ mất. Mà ăn T+3 thường chỉ 3-5% còn mất có khi mỗi vòng trade cũng 10-15%. Lợi nhuận của nhiều người kiếm được trong 2 năm đầu Covid bào mòn dần. Ai tỉnh rút ra lúc đó còn kịp, ai không tỉnh, càng lỗ càng điên cuồng.

Chiếc kim đầu tiên đâm vào quả bóng giá cổ phiếu đầu tiên là những cổ phiếu bị làm giá lộ diện, bắt bớ.

Chiếc kim tiếp thứ hai đâm vào quả bóng giá cổ phiếu là các chiêu trò tài chính đẩy tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Giờ đây, nhà đầu tư bắt đầu biết rằng con số lợi nhuận ghi trên báo cáo kiểm toán của nhiều doanh nghiệp chỉ là con số A bán cho B và A với B là "đôi bạn đồng hành".

Chiếc kim thứ ba, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại cả cổ phiếu ngân hàng khi biết rằng tài sản nhiều doanh nghiệp đi thế chấp tại ngân hàng vốn dĩ, không thực sự "đảm bảo".

Chiếc kim nữa là trái phiếu. Sự dễ dãi của một thị trường quá nóng đang bị trả giá ở chu kỳ dập lửa...

Những người kịp tỉnh bắt đầu quay sang nói chuyện với tôi khi họ thấy những điều trước đây tôi cảnh báo họ đang ngấm dần vào nền kinh tế. Những người không tỉnh kịp, họ bận đau. Tôi lúc này cũng hiểu, nếu đến gần họ, họ cũng đẩy tôi ra nên tôi cứ thế, đứng ngoài.

Những người - như "anh tôi" - dù đã bị mất cơ hội vàng để kiếm lời từ thị trường chứng khoán lúc cơn nóng sốt bắt đầu thấy mình may mắn. Tôi cũng chẳng vui khi xung quanh mình đầy những người đang buồn.

Tôi chỉ mong rằng mọi người trụ vững được tài chính bản thân qua cơn lốc xoáy, xây dựng tài sản bền vững lại từ đầu. Thị trường chứng khoán vẫn ở đó và danh sách cổ phiếu của hàng nghìn doanh nghiệp tốt đang bị giảm với tốc độ kinh hoàng cùng những doanh nghiệp “có vấn đề”. Những người thua lỗ nếu nhận ra, bình tĩnh phục hồi, bình tĩnh vạch lại chiến lược đầu tư thì biết đâu, một ngày, họ lại giàu bền vững!

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Nguyễn Sang (Hà Nội)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục