Dệt may Hòa Thọ nói gì về chỉ tiêu kinh doanh ‘thụt lùi’ trong năm 2023?

(Banker.vn) Năm 2023, Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều thụt lùi so với kết quả đạt được trong năm 2022.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra, một số cổ đông HTG tỏ ra bất ngờ với kế hoạch 2023 của Tổng công ty.

Cụ thể trong báo cáo do Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hải trình bày, năm 2023 HTG đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần lượt ở mức 4.500 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Chỉ tiêu này kém xa kết quả đạt được trong năm 2022, khi các chỉ số trên lần lượt là 5.144 tỷ đồng và 337,4 tỷ đồng.

HTG cũng đặt chỉ tiêu kiêm ngạch xuất khẩu ở mức 225 triệu USD trong khi con số đạt được của năm 2022 là 275 triệu USD.

Các cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh này khá thận trọng và đặt câu hỏi công ty có nghiên cứu xây dựng kế hoạch mang tính phấn đấu hơn không?

Ông Nguyễn Đức Trí, Chủ tịch HĐQT HTG cho rằng tình hình thị trường năm 2023 sẽ đặc biệt khó khăn và diễn biến khó lường nên công ty rất thận trọng trong việc đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ông cũng cho biết tùy theo tình hình, công ty sẽ điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo hoạt động sản xuất, việc làm của người lao động và lợi ích các cổ đông.

Loạt dự án dự kiến sẽ ngốn của Dệt may Hòa Thọ gần 470 tỷ đồng vốn đầu tư
Loạt dự án dự kiến sẽ ngốn của Dệt may Hòa Thọ gần 470 tỷ đồng vốn đầu tư

Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Bình cũng trình bày thêm về khó khăn, thách thức của ngành sợi năm 2023. Các lãnh đạo HTG đều nhận định thị trường sẽ khó khăn nên hướng đến một kế hoạch sản xuất thận trọng và an toàn.

Năm 2023, HTG vẫn sẽ mạnh tay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng mức đầu tư trong năm được ĐHCĐ thông qua là 468,5 tỷ đồng, tập trung ở 8 dự án.

Nguồn vốn đầu tư này sẽ phân bổ cho một số dự án nổi bật gồm: Đầu tư cải tạo và nâng cấp thiết bị cho Nhà máy Sợi Hòa Thọ 2 (297 tỷ đồng, thời gian 2023 – 2025); Dự án đầu tư chiều sâu và bổ sung thiết bị ngành may (80 tỷ đồng; Quý II/2023 – Quý I/2024); Dự án đầu tư cải tạo tổng thể và bổ sung thiết bị Nhà máy may Quảng Ngãi (57 tỷ đồng; 2023 – 2024)…

Cũng tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc điều hành phụ trách tài chính cho biết, lộ trình “chuyển nhà” lên sàn HOSE dự kiến sẽ hoàn tất trong quý II/2023.

Trước đó vào Quý IV/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo nhận được hồ sơ niêm yết cổ phiếu của Dệt may Hoà Thọ. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) là đơn vị tư vấn để tổ chức niêm yết.

Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ được thành lập vào năm 1962, đặt trụ sở tại Đà Nẵng và là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Doanh nghiệp này niêm yết trên sàn UPCoM từ năm 2017.

Tổng diện tích nhà máy của DN này đạt 20,5 ha với 10.000 nhân sự. Công ty đã và đang sản xuất cho các thương hiệu như: Snickers, Burton, Novadry, Haggar, Perry Ellis Portfolio, và Calvin Klein. Sản phẩm dệt may của Dệt may Hòa Thọ bao gồm: veston, đồ bảo hộ lao động, áo khoác, quần tây và sản phẩm sợi.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục