Đề xuất nhiều quy định gỡ khó cho các công ty cho thuê tài chính

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư quy định hoạt động cho thuê tài chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng với nhiều điểm mới gỡ khó cho các tổ chức này.
Bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính Gỡ vướng cho phát triển thị trường cho thuê tài chính Việt Nam Nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II lại bị đề nghị truy tố

Lãi suất quá hạn không vượt quá 150%

Theo dự thảo, hoạt động cho thuê tài chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng phi ngân hàng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.

Khách hàng thuê tài chính tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải đảm bảo sử dụng tài sản thuê đúng mục đích, hoàn trả tiền thuê tài chính đúng thời hạn, thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận theo hợp đồng cho thuê tài chính.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng phi ngân hàng xem xét, quyết định cho thuê tài chính khi khách hàng có đủ các điều kiện: (a) - Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; (b) - thuê tài sản cho thuê tài chính để sử dụng vào mục đích hợp pháp; (c) - có phương án sử dụng tài sản cho thuê tài chính khả thi; (d) - có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng cho thuê tài chính; (đ) - đối với tổ chức Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không quá thời hạn hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với cá nhân nước ngoài, thời hạn cho thuê tài chính không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

Đối với các khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ từ dưới 100 triệu đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng phi ngân hàng xem xét, quyết định cho thuê tài chính khi khách hàng khách hàng đáp ứng tối thiểu các điều kiện quy định tại điểm a, b, d, đ nêu trên.

Đề xuất nhiều quy định gỡ khó cho các công ty cho thuê tài chính
Lãi suất quá hạn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng không vượt quá 150%

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho thuê tài chính theo cung cầu vốn thị trường, tài sản cho thuê tài chính và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Mức lãi suất cho thuê tài chính được tính theo tỷ lệ %/năm.

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ tiền thuê tài chính theo hợp đồng, thì khách hàng phải trả lãi tiền thuê tài chính như sau: Lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, theo lãi suất quá hạn do bên cho thuê tài chính thỏa thuận với bên thuê tài chính trong hợp đồng cho thuê tài chính nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho thuê tài chính trong hạn áp dụng ngay trước thời điểm chuyển sang nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc đó.

Trường hợp bên thuê tài chính không trả tiền lãi thuê đúng hạn, bên thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê tài chính tiền lãi đối với tiền lãi thuê chậm trả theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số tiền lãi thuê chậm trả trong thời gian chậm trả.

Trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính điều chỉnh, bên cho thuê tài chính và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho thuê tài chính. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho thuê tài chính khác nhau, thì bên cho thuê tài chính áp dụng mức lãi suất cho thuê tài chính thấp nhất.

Dự thảo cũng quy định bên cho thuê tài chính thực hiện cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp được cho thuê tài chính bằng ngoại tệ.

Nguyên tắc cho thuê tài chính bằng ngoại tệ được quy định: Bên cho thuê tài chính thanh toán tiền nhập khẩu tài sản cho thuê tài chính với bên cung ứng bằng ngoại tệ; bên thuê tài chính nhận nợ, thanh toán tiền thuê tài chính bằng ngoại tệ; bên thuê tài chính sử dụng tài sản thuê để phục vụ sản xuất, kinh doanh; bên thuê tài chính có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ tiền thuê tài chính.

Công ty tài chính không được cho thuê tàu thuyền, tàu bay

Trước đó, Hiệp hội cho thuê tài chính đã có nhiều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Thông tư này và tháo gỡ một số khó khăn của các công ty cho thuê tài chính hiện nay. Cụ thể, các công ty tài chính kỳ vọng dự thảo Thông tư sẽ mở rộng tài sản thuê các phương tiện vận tải đường sông, tàu bay. Tuy vậy, dự thảo không tiếp thu đề nghị này.

Theo Ban Soạn thảo, hiện nay tàu thuyền được điều chỉnh bởi Bộ Luật hàng hải Việt Nam; tàu bay được điều chỉnh bởi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Việc quản lý, cho thuê, thuê mua, tàu tại Bộ Luật hàng hải Việt Nam, thuê tàu bay tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có khác biệt so với thông lệ phổ biến chung về hoạt động cho thuê tài chính hiện nay.

Đề xuất nhiều quy định gỡ khó cho các công ty cho thuê tài chính
Công ty tài chính không được cho thuê tàu thuyền, tàu bay

Bên cạnh đó, tàu thuyền, tàu bay thường có giá trị lớn trong khi quy mô vốn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhỏ. Thực tế hoạt động cho thuê tài chính tàu biển gặp khá nhiều rủi ro.

Theo ban soạn thảo, trường hợp, các công ty cho thuê tài chính có nhu cầu và khả năng thực hiện cho thuê đối với tài sản là tàu thuyền, tàu bay, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thể thực hiện theo phương thức khác (không phải là cho thuê tài chính) như cho thuê vận hành theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Luật Dân sự và các quy định pháp luật liên quan (Bộ Luật hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam…).

Mặc dù vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung nhiều quy định gỡ khó cho các công ty tài chính. Đơn cử, quy định hiện hành yêu cầu bên thuê phải “trực tiếp” sử dụng tài sản thuê trong khi thực tế nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện phải do người có đủ điều kiện (được cấp bằng hoặc chứng chỉ) mới được vận hành. Do vậy, việc quy định bên thuê phải trực tiếp sử dụng sẽ gây khó khăn trong thực tiễn hoạt động cho thuê tài chính. Dự thảo mới đã bỏ quy định này.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung một số nội dung về thông tin về người có liên quan mà khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng phi ngân hàng khi đề nghị thuê tài chính. Theo đó, tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng, trừ các khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ là mức dưới 100 triệu đồng.

Về phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính, nhiều tổ chức tín dụng phi ngân hàng có kiến nghị được thu thêm phí tương tự như hoạt động cho vay. Tuy nhiên hoạt động cho thuê tài chính khác với hoạt động cho vay: Khi chấm dứt hợp đồng trước hạn, bên thuê tài chính vẫn phải thanh toán đầy đủ số tiền thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính; bên thuê tài chính nhận tài sản thuê nhưng hợp đồng là hợp đồng thuê tài chính. Do vậy, Ban soạn thảo cho rằng, việc đề nghị thu phí trả nợ trước hạn, phí cam kết rút vốn là không phù hợp.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho thuê tài chính tại các công ty cho thuê tài chính đến 30/1/2024 là 46.437,40 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc công ty cho thuê tài chính là 43.933,63 tỷ đồng; lãi phải thu là 2.503,77 tỷ đồng.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương