Đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu

(Banker.vn) Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2025, với xăng dầu, Bộ đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục.
Long An: Xử phạt 7 cơ sở kinh doanh xăng dầu gần 750 triệu đồng Giá xăng dầu hôm nay 2/9/2024: Goldman hạ triển vọng giá dầu trong bối cảnh nguồn cung tăng đột biến

Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 6613/BCT-PC gửi Văn phòng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tham gia ý kiến dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2025.

Đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Ảnh: TTXVN)
Đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Ảnh: TTXVN)

Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 68/NĐ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý và xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, với yêu cầu, điều kiện 1: “Cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”. Bộ Công Thương đề xuất, bỏ điều kiện “Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.

Lý do của đề xuất này, Bộ Công Thương cho hay, trong quá trình kinh doanh xăng dầu, xăng dầu được vận chuyển tử kho, bồn, bể chứa của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đây là hoạt động bình thường trong chuỗi cung ứng xăng dầu của thương nhân kinh doanh xăng dầu mà không cần thiết là điều kiện kinh doanh, do thương nhân có thể trực tiếp vận chuyển bằng phương tiện của mình sở hữu, phương tiện đi thuê hoặc thuê dịch vụ vận chuyển xăng dầu.

Để thực thi, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 7 về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu).

Với nội dung Cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân phân khối xăng dầu bao gồm: Kho, bể chứa xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu, phòng thử nghiệm xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, các nội dung trên sau nhiều năm vận hành cho thấy không còn phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay. Do đó, việc cắt giảm điều kiện trên tại Dự thảo Nghị định là phù hợp với thực tế kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị bãi bỏ khoản 2, 3, 4 Điều 13 Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 13: “Có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) trở lên; khoản 3 Điều 13: “Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu tư năm (05) trở lên”; khoản 4 Điều 13: “Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng”.

Các nội dung sửa đổi sẽ được thực hiện sau khi dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu được ban hành.

Để đảm bảo hiệu quả của việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nói chung và lĩnh vực xăng dầu nói riêng, Bộ Công Thương đề nghị Quý cơ quan (Văn phòng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) có ý kiến phản hồi gửi về Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) trước ngày 10/9/2024.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục