Để những giáo viên cắm bản yên tâm “gieo con chữ”

(Banker.vn) So với những vất vả, hy sinh của giáo viên vùng cao, chính sách cho ngành giáo dục cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên được đội ngũ này.
Ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý Đại biểu Quốc hội: Ngành giáo dục cần có giải pháp trước vấn đề bạo lực học đường Hơn 16.000 giáo viên bỏ việc: Thêm hồi chuông báo động cho ngành giáo dục

Ông Trần Mạnh Hùng, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, là giáo viên một huyện miền núi, gần biên giới, nên ông phải đi làm cách nhà 70km. Do đó, ông rất đồng cảm và thấu hiểu đời sống của giáo viên mầm non, giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, nơi sinh hoạt cho các thầy cô.

Để những giáo viên cắm bản yên tâm “gieo con chữ”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Để các thầy giáo, cô giáo yên tâm “gieo con chữ”, ông Trần Mạnh Hùng đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm về nhà công vụ cho giáo viên cắm bản; có chính sách lương phù hợp cho giáo viên mầm non; xây dựng quy định giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc.

Đó cũng là nỗi niềm của các thầy cô giáo ở tỉnh Quảng Trị - khi nơi đây có hơn 3.000 cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang công tác tại các vùng miền núi khó khăn, trong đó gần một nửa có nhu cầu về phòng ở công vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà ở công vụ cho giáo viên đang thiếu trầm trọng. Điều này, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy của nhiều giáo viên vùng cao Quảng Trị.

Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục chia sẻ, nước ta có các vùng điều kiện địa lý khác nhau, trong đó có những vùng núi, từ nhà này qua nhà kia có khi vài cây số, chưa nói đến bản này sang bản kia phải leo đèo, trèo núi rất khó khăn.

Để giải quyết cho giáo dục vùng khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình nội trú cho các cháu ở xa, có trường dự bị ở Trung ương, có trường nội trú ở huyện, rồi trường bán trú nhưng cũng không thể nào giải quyết được hết tất cả các trường hợp. Vẫn có rất nhiều điểm trường lẻ còn tồn tại và cần đến giáo viên cắm bản, yêu nghề, không ngại khó ngại khổ.

Gắn bó với nơi này đồng nghĩa phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc dạy và học cả về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng học sinh… Lên miền núi khó khăn, khổ sở là điều ai cũng nhận thấy, phải xa bố mẹ, gia đình, có người phải gác lại hạnh phúc riêng vì công tác ở xa… Vì vậy, đối với những thầy cô đang công tác ở miền núi, sau một thời gian từ 10, 15 năm, nếu có nguyện vọng thuyên chuyển về gần nhà thì các địa phương cần tạo điều kiện sắp xếp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Đối với những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tuỳ theo từng đối tượng.

“Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hoá trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. “Hai Bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bộ cũng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này.

Ngoài ra, hiện nay cả nước có hơn 16.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập dân lập, tư thục, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, nên rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thêm, trải qua ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo viên mầm non ngoài công lập.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương