Để kiểm soát lạm phát cần kết hợp hoàn hảo chính sách tiền tệ và tài khóa

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ tăng lương, biến động chuỗi cung ứng.
pho-tt-tran-hong-ha.jpg

Sáng ngày 6/6, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ tăng lương, biến động chuỗi cung ứng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.

Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời, có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. Với các giải pháp mà Chính phủ đã làm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

Về các nhiệm vụ giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, bao gồm:

Một là, tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả và sản phẩm cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ.

Ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép để có hiệu lực sớm các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng để khơi thông các nguồn lực đất đai, vốn để phục hồi thị trường bất động sản. Tập trung giải quyết các dự án vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực nhà nước, xã hội cho phát triển…

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.

Phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua thúc đẩy đầu tư công các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng, hàng hóa thiết yếu như năng lượng, lương thực.

Kiến tạo, thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng; có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng.

Ba là, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngay trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ