ĐBQH nhất trí cao điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội nhất trí cao điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Sức sống mới, khí thế mới đón Xuân Chuyển đổi số và những câu chuyện thoát nghèo bền vững của đồng bào dân tộc

Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

ĐBQH nhất trí cao việc điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các lý do nêu trong Tờ trình số 190 và Báo cáo số 191 ngày 26/4/2024 của Chính phủ.

Ông Nghĩa cho rằng, mặc dù đã được quan tâm rất lớn, được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, theo thống kê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hết sức khó khăn, 5 cái nhất đáng buồn vẫn còn, đó là: Vùng khó khăn nhất; vùng có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; vùng có kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; vùng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

"Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của cả nước còn 2,93%, giảm 1,1%; trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số mặc dù giảm 3,2% nhưng vẫn còn khoảng 17,82% - tức là cao gấp gần 6 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số nhưng chiếm hơn 50% số hộ nghèo" - đại biểu cho hay.

Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thì ngoài chỉ số về thu nhập, còn có 6 chỉ số đo lường về dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Nếu thiếu hụt 3 chỉ số trở lên được coi là hộ nghèo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng nêu, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.

Tuy nhiên, còn một số đối tượng trực tiếp liên quan đến đời sống của đồng bào thì vẫn chưa được quy định cụ thể là đối tượng thụ hưởng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú không nằm địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vì vậy, tại Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng hưởng thụ của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm: Một số trường dự bị đại học, trường đại học; các trường phổ thông dân tộc nội trú không nằm địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số…

"Đây là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều: Giáo dục, y tế và văn hóa thông tin" - đại biểu nói.

Vị đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng nhắc đến kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: Ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá phải được kiên cố hoá…”, “Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú…”

Bên cạnh quan điểm của Đảng nêu trên, còn có Cơ sở Hiến định quan trọng: Khoản 4 Điều 5 Hiến pháp 2013 khẳng định: Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Khoản 1 Điều 58 Hiếp pháp xác định: Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khoản 3 Điều 61 Hiến pháp yêu cầu: Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Vì vậy, tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình - đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đồng thời thông tin, theo Tờ trình số 190 của Chính phủ, tổng số nhu cầu kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói trên dự kiến khoảng 4.142,805 tỷ đồng.

Cũng theo đại biểu, thời gian còn lại của giai đoạn 1 không nhiều, còn 1,5 năm. Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể (trong Hồ sơ đã có phụ lục 2 Danh mục các đối tượng có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần đầu tư nhưng chưa có Danh mục di tích mà nói là sẽ xác định cụ thể trong quá trình phê duyệt và triển khai đầu tư); ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.

Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế và theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Ngoài ra, bảo đảm sự phù hợp với các đối tượng đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được trình Quốc hội thông qua.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục