Đầu tư chứng khoán năm 2023: "Chọn mặt gửi vàng" - ngân hàng hay đầu tư công?

(Banker.vn) Tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng trong các phiên giao dịch cận kề dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, thị trường cũng đang vận động trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ rõ ràng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được giới đầu tư đánh giá cao.

Về mặt kỹ thuật, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm nay nhờ nhiều yếu tố như Ngân hàng Trung ương các quốc gia giảm dần mức tăng lãi suất, lạm phát hạ nhiệt, động lực từ việc khối ngoại mua ròng... Từ đó, giới đầu tư cũng đánh giá ngân hàng sẽ là một trong các động lực chính cho đà hồi phục của chỉ số thị trường chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán năm 2023:

Bên cạnh đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B năm 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến những câu chuyện hỗ trợ của ngành Ngân hàng, như lộ trình tăng vốn của các nhà băng hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn Basel III; Hay một số ngân hàng có những câu chuyện riêng như nới room bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, tái cơ cấu, xử lý ngân hàng yếu kém…

Cũng có một số quan điểm cho rằng, nhà đầu tư cần quan tâm đến yếu tố thanh khoản, tuy nhiên chuyên gia cho rằng yếu tố này chỉ có tính thời điểm và diễn ra đơn lẻ ở một số đơn vị. Điểm kỳ vọng của năm mới là Chính phủ sẽ đẩy mạnh các hoạt động giải ngân đầu tư công, nhà điều hành cam kết tiếp tục giữ vững ổn định lãi suất thị trường.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công còn hỗ trợ tích cực lên nhóm cổ phiếu ngành thép, xây dựng hạ tầng. Theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Quốc hội thông qua, tổng số vốn là hơn 790.000 tỷ đồng, tăng gần 29% so với kế hoạch năm 2022. Dự báo đầu tư công sẽ được đẩy nhanh ngay từ những tuần đầu năm mới. Do đó nhóm cổ phiếu các ngành liên quan đến xây dựng sẽ sớm được hưởng lợi.

Một điểm nhấn khác theo nhận định của các công ty chứng khoán là tác động từ việc Trung Quốc dự kiến mở cửa nền kinh tế trong quý II/2023 sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam như hàng không, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, xi măng, thép…

Theo Công ty CP Chứng khoán VnDirect, triển vọng hồi phục của nhóm hàng không sẽ có cơ hội khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, do lượng khách quốc tế của thị trường này trước khi dịch bệnh xảy ra chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã cho phép các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay thường lệ đến và đi với tần suất 15 chuyến/tuần thay vì hai chuyến/tuần so với thời gian trước đó.

VnDirect kỳ vọng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới, ước tính lượng khách quốc tế đi và đến của thị trường Trung Quốc sẽ có mức tăng lần lượt 20% - 40% - 60% - 80%, trong quý I, II, III, IV năm nay so với trước đại dịch. Các dự báo nhận định, thời điểm lượng khách Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào quý II, III trong năm. Do đó các nhà đầu tư cổ phiếu hàng không, du lịch có thể xem xét yếu tố này để quyết định thời điểm mua bán.

Một số nhóm cổ phiếu khác cũng có triển vọng khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà Trung Quốc là bạn hàng nhập khẩu lớn thứ hai nên việc mở cửa của quốc gia này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp ngành thủy sản tăng sản lượng xuất.

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng (năm 2021). Việc mở cửa của họ sẽ nối lại nguồn cung vật liệu cho các công ty xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra cơ hội giá cả ổn định hơn cho các quốc gia. Bên cạnh sản lượng xuất khẩu gia tăng cũng sẽ là điều kiện cho các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy, qua đó tăng biên lợi nhuận gộp nhờ giảm chi phí khấu hao trên sản phẩm.

Về bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất được kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất, nâng cao công suất để tận dụng sức mua tăng lên khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để giao thương gần gũi, chuỗi giá trị đã được thiết lập trong thời gian qua, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến tiềm năng đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán