Đấu thầu tập trung quốc gia: Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

(Banker.vn) Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm.
Ngành y tế tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế Nghị định 24/2024/NĐ-CP: Xoá “độc quyền” lựa chọn nhà thầu, gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Nhiều thiết bị được mua sắm tập trung cấp quốc gia

Theo dự thảo, việc cập nhật danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm sẽ được hiện 2 năm 1 lần, với 3 tiêu chí cụ thể: Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn như thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong thanh toán tại các cơ sở y tế; chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm sử dụng phổ biến tại các tuyến cơ sở khám chữa bệnh; các loại thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm có quy cách có tính độc lập, chỉ tiêu kỹ thuật có thể sử dụng chung cho nhiều cơ sở y tế, không bị phụ thuộc nhiều vào yêu cầu chuyên môn đặc thù.

Đấu thầu tập trung quốc gia: Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Đấu thầu tập trung quốc gia kỳ vọng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Cụ thể danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm gồm: Kim luồn tĩnh mạch; máy X quang; máy siêu âm; máy phá rung tim có tạo nhịp; bơm tiêm điện (sử dụng bơm tiêm của nhiều hãng sản xuất khác nhau; kích cỡ ống tiêm: 5mL, 10mL, 20mL, 30mL, 50/60mL); máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số (nhiệt độ, điện tim, huyết áp, SpO2, nhịp thở); Micropipet tự động (2-20µl và 20-200µl); khẩu trang y tế 3 lớp (tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010 hoặc tiêu chuẩn tương đương); găng tay y tế; bộ trang phục phòng chống dịch/quần áo bảo vệ (tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 6689:2021 ISO 13688:2013 with AMD 1:2019 hoặc tiêu chuẩn tương đương).

Đối với những thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm không thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia nhưng nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế có nhu cầu mua thuốc, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổng hợp ý kiến đề xuất và nhu cầu để báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc gộp thành một gói thầu và giao một trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế hoặc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện việc mua sắm.

Trong thời gian tối đa 2 năm, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục tại Thông tư này, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (Bộ Y tế) tổng hợp, lập danh mục thuốc cần cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ, xin ý kiến, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư cập cập nhật danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt

Giới chuyên gia nhận định, đấu thầu tập trung sẽ kịp thời điều tiết thuốc giữa các đơn vị trên cả nước, tránh thiếu hụt thuốc. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, các đơn vị lựa chọn sẽ cung ứng thuốc đến bệnh viện công, tháo gỡ một phần tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Thời gian qua, có nhiều lúc tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập diễn ra trầm trọng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã từng nhấn mạnh: Nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn nhiều bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả, có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Để tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, thiết bị y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp toàn diện mua sắm, đấu thầu, mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá, tăng cường công bố các thông tin phục vụ đấu thầu.

Nhờ đó, số đơn vị y tế báo cáo đã cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tăng lên; chỉ còn ít đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.

Đáng chú ý, các điểm mới tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu được kỳ vọng sẽ giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định được Luật giao Chính phủ quy định chi tiết như xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển; tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế; khuyến khích hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Nghị định 24 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư; cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin – đấu thầu qua mạng để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị định 24, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì 3 cuộc họp với lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Tư pháp và một số bộ ngành liên quan; đại diện một số bệnh viện Trung ương, sở y tế địa phương, bệnh viện tư nhân, chuyên gia… để lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; chỉ đạo cơ quan soạn thảo Nghị định 24 tiếp thu tối đa để giải quyết căn cơ, tạo thuận lợi nhất có thể cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế...

Nhằm bảo đảm các bệnh viện có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian, Nghị định 24 cũng đã quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 còn bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.

Để bảo đảm phù hợp với đặc thù mua sắm tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, có ít nhân sự, Nghị định 24 cũng quy định trường hợp chủ đầu tư không có nhân sự đáp ứng yêu cầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu tư vấn để làm tổ chuyên gia, tổ thẩm định thì có quyền huy động, giao việc cho các nhân sự là bác sỹ, dược sỹ, cán bộ quản lý hoặc mời cán bộ thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế và chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định để thực hiện hoạt động mua sắm.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương