Đâu là những xu hướng của bán lẻ năm 2024?

(Banker.vn) Khảo sát của Sapo Việt Nam từ 15.000 nhà bán lẻ toàn quốc cho thấy có 3 xu hướng kinh doanh và thanh toán sẽ chiếm ưu thế trong xu hướng bán lẻ của năm 2024.
4 xu hướng nổi bật về thị trường bán lẻ online 2024 10 xu hướng của thương mại điện tử năm 2023 và những năm tới

Bán hàng đa kênh giữ vai trò chủ đạo trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn

Sapo Việt Nam vừa công bố thông tin khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên toàn quốc về kết quả kinh doanh năm 2023 và xu hướng kinh doanh năm 2024 ở mảng thị trường bán lẻ.

Theo kết quả khảo sát, doanh thu của các nhà bán lẻ trên toàn quốc năm 2023 có sự giảm đi đáng kể khi có tới 60,99% đơn vị được khảo sát cho biết doanh thu có giảm so với năm 2022. Đáng chú ý, 28,5% nhà bán lẻ có doanh thu tụt giảm tới trên 30% so với năm 2022. Điều này cũng dẫn tới các chủ cửa hàng có xu hướng cắt giảm nhân viên và sự gia tăng đáng kể của mô hình cửa hàng không có nhân viên (chủ cửa hàng tự vận hành).

Đâu là những xu hướng của bán lẻ năm 2024?
Hơn 60% nhà bán lẻ trong 15.000 nhà bán lẻ được khảo sát trên toàn quốc cho biết năm 2023 họ bị giảm doanh thu so với năm 2022

Sự sụt giảm về doanh thu cũng được thể hiện qua các hoạt động marketing. Các nhà bán hàng tập trung tối ưu chi phí, hầu hết chỉ sẵn sàng chi trả dưới 10% doanh thu cho marketing. Tiếp thị qua người nổi tiếng, người ảnh hưởng (KOL, Influencers) vẫn nhận nhiều sự dè dặt từ phía người kinh doanh trong ngành bán lẻ. Trong khi đó, tạo chương trình khuyến mại, giảm giá vẫn là phương thức thúc đẩy doanh thu hiệu quả nhất, chiếm đến 41,12% tỷ trọng các hình thức thúc đẩy doanh thu được nhà bán hàng ưa chuộng.

Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2023 là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh bền vững hơn. Một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình Cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình Hộ kinh doanh cá thể hoặc Công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).

Bên cạnh đó, nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu - 1 tỷ và trên 2 tỷ đã tăng 3% so với năm 2022. Quán Bida (Billiards) nổi lên trong năm 2023 như là một mô hình kinh doanh điểm nhấn khi mô hình này được đầu tư theo hướng tổ hợp giải trí, tạo chương trình gắn kết thân thiết với tệp khách hàng trẻ tuổi, làm nội dung sáng tạo và thời thượng.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều khó khăn, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023, các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022)

Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội - ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành Bán lẻ.

Ngoài ra, một số xu hướng liên quan đến hoạt động bán lẻ năm 2023 có thể nhắc đến như hoạt động vận chuyển đang hướng đến tính nhanh, cơ động; xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng nhanh, kết quả khảo sát cho thấy có tới 43,8% nhà bán hàng đang chấp nhận phương thức thanh toán qua chuyển khoản, trong đó 15,33% nhà bán hàng chuyển khoản qua hình thức quét mã VietQR….

Đâu là những xu hướng của bán lẻ năm 2024?
3 xu hướng bán lẻ và thanh toán được dự báo sẽ dẫn đầu trong xu hướng bán lẻ năm 2024

3 xu hướng chính của bán lẻ năm 2024

Có tới 75% nhà bán hàng lạc quan và kỳ vọng thị trường bán lẻ năm 2024 phục hồi và tăng trưởng.

Nhiều nhà bán lẻ cho biết có dự định mở rộng kênh bán trên các nền tảng trực tuyến, phổ biến nhất là mở rộng lên các mạng xã hội (Facebook, Zalo); sau đó là các sàn thương mại điện tử; và TikTok Shop. Trong ngành FnB, các chủ nhà hàng, quán cafe lại phần lớn lựa chọn việc Đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh (40,9%); kênh bán hàng được lựa chọn mở rộng nhiều nhất là mạng xã hội (33,3%).

Có 3 xu hướng được dự đoán sẽ dẫn đầu ngành bán lẻ trong năm 2024 được Sapo Việt Nam đưa ra từ khảo sát của 15.000 nhà lẻ.

Thứ nhất, mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Trong đó, các nhà bán lẻ sẽ tập trung khai thác hiệu quả thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân nhờ sự thúc đẩy của các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử và các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thứ 2, Shoppertainment & Edutainment là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu coi việc mua sắm là hoạt động giải trí, các nhà bán hàng không chỉ thuyết phục được khách hàng xuống tiền nhờ công năng sản phẩm, mà còn dựa vào các hình thức tiếp thị sáng tạo, hấp dẫn, thu hút. Mặt khác, nội dung tiếp thị sản phẩm ngày càng cần gia tăng hàm lượng chất xám, mang tính chất giáo dục và cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.

Ba là, hình thức thanh toán qua mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số các hình thức thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ như Sapo sẽ phối hợp chặt chẽ với mảng bán lẻ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhà bán hàng và người mua hàng.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương