Đặt mục tiêu đến năm 2045 Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu

(Banker.vn) Phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu.... Đến năm 2045,Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước là một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa sắp có nhà máy sản xuất đồ chơi 150 tỷ đồng

Thanh Hóa chuẩn bị mời thầu dự án đường giao thông hơn 630 tỷ tại Sầm Sơn

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa điểm tên những doanh nghiệp vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản

Công khai thủ tục chuyển nhượng QSDĐ tại Khu nhà ở dân cư Kiều Lê, thị xã Bỉm Sơn

Đặt mục tiêu đến năm 2045 Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu
Mục tiêu đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước

Ngày 27/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ 4 của cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh nhằm phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.

Điểm nhấn quan trọng là Quy hoạch đã đề ra Thanh Hóa sẽ tỉnh tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm hài hòa về lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển.

Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Về phát triển ngành, lĩnh vực, với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo. Với nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đến năm 2045 Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước
Phối cảnh Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ được đầu tư mở rộng nâng cấp thành sân bay quốc tế công suất 5 triệu khách/năm sẽ góp phần thu hút khách nước ngoài thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, điểm nhấn là đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Với ngành dịch vụ tập trung phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật, các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với giáo dục và đào tạo, Thanh Hóa tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Song song với giáo dục là lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó tập trung phát triển hệ thống y tế hiện đại và bền vững; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; thúc đẩy phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung Bộ.

Trong văn hóa - thể thao tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; tăng cường liên kết, hợp tác, giao lưu phát triển giữa các vùng, miền; phát triển văn hóa bền vững, hài hòa với phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện thể dục, thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

Lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt chính sách xã hội, chăm sóc người có công; hỗ trợ những người yếu thế vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Đến năm 2045 Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước
Cảng biển quốc tế Nghi Sơn kỳ vọng sẽ tiếp tục “mở đường” cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận

Quy hoạch cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; Phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; Phương án phát triển hạ tầng thương mại; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng xã hội…

Nhiệm vụ quy hoạch cũng đề ra phát triển không gian lãnh thổ, nhất là phương án quy hoạch xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế. Nhất là phương án phát triển các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở.

Đối với phương án phát triển đô thị, đến năm 2025 toàn tỉnh có 47 đô thị các loại, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030 có 47 đô thị, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn được gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo. Tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha. Phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5 ha. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha.

Quy hoạch cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi. Đồng thời đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai.

Nhật Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán