Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, do tác động lớn của môi trường và khí hậu của ngành dệt may, luật pháp sắp tới của EU và khách hàng đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với các công ty dệt may và thời trang Đan Mạch, đòi hòi phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và sản xuất.
Các quy định xanh hóa một số ngành sản xuất của EU dự kiến sẽ tác động đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có dệt may |
Một số quy định sắp tới của EU về lĩnh vực thời trang và dệt may như: Quy định về thiết kế sinh thái của EU sẽ đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt cho sản xuất quần áo, giày dép và đồ dệt gia dụng với tuổi thọ lâu hơn. Để đảm bảo kéo dài tuổi thọ của các hàng dệt may, luật mới phải tạo động lực cho các công ty đưa ra các giải pháp thu hồi, sửa chữa, và bán lại hàng hoá đã qua sử dụng. Do vậy, khâu thiết kế, vật liệu và mô hình kinh doanh của các công ty rất quan trọng để làm được điều này. Tuy nhiên, ngành dệt may và thời trang của Đan Mạch đang thiếu cả kỹ năng, công nghệ và dữ liệu có thể giúp các công ty lựa chọn và ưu tiên các nỗ lực của họ theo cách có lợi cho môi trường và khí hậu.
Ngoài ra, việc ngăn chặn chất thải dệt may mà quy định thiết kế sinh thái của EU áp dụng cần phải phát triển hơn nữa và mở rộng quy mô công nghệ phân loại và tái chế để đáp ứng nhu cầu thu gom hàng dệt may gia dụng mà Đan Mạch phải áp dụng bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2023. Để làm được điều này, cần các công ty Đan Mạch thu thập và cung cấp dữ liệu ở mức độ lớn và cần có một hệ thống công nghệ thông tin thống nhất.
Do vậy, để đáp ứng các yêu cầu sắp tới của Quy định về thiết kế sinh thái của EU, Đan Mạch đang tiến hành thúc đẩy nghiên cứu xanh trong thời trang và dệt may, thực hiện hợp tác toàn ngành từ chính trị đến các quỹ nghiên cứu và ngành công nghiệp dệt may để có thể đạt được mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực xanh.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, Thỏa thuận Xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung lập về khí hậu. Đó cũng là một chiến lược để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, sẽ có những yêu cầu mới về tính bền vững đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất. Chiến lược này cũng sẽ cung cấp những khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU. Các sửa đổi đang diễn ra và một khung pháp lý mới sẽ được đề xuất vào năm 2023…
Thỏa thuận Xanh châu Âu dự kiên sẽ có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.
Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh EU, cụ thể là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.
Bảo Ngọc
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|