Đạm Cà Mau (DCM) khó theo kịp mức nền so sánh cao ở nửa cuối 2023

(Banker.vn) Với những diễn biến mới khá tích cực từ thị trường phân bón thế giới, nửa cuối 2023, Đạm Cà Mau (DCM) được kỳ vọng sẽ phục hồi một phần doanh thu, tuy nhiên viễn cảnh đạt mức lợi nhuận vượt trội như cùng kỳ năm ngoái là khó xảy ra.
Đạm Cà Mau (DCM) khó theo kịp mức nền so sánh cao ở nửa cuối 2023
Theo Indexmundi, đến cuối tháng 6/2023, giá Ure dao động từ 280 - 290 USD/tấn do thị trường phân bón Việt Nam chưa nhanh nhạy trước thông tin đấu thầu nhập khẩu Ure của Ấn Độ. Thương vụ này nhận giá khởi điểm thấp nhất là 280 USD/tấn CFR.

Chưa thể khởi sắc

Theo thống kê của IndexMundi, đến cuối tháng 6/2023, giá Ure dao động từ 280 - 290 USD/tấn do thị trường phân bón Việt Nam chưa nhanh nhạy trước thông tin đấu thầu nhập khẩu Ure của Ấn Độ. Thương vụ này nhận giá khởi điểm thấp nhất là 280 USD/tấn CFR.

Trong nước, nguồn cung Ure chỉ giảm nhẹ 3%, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm tới 13% trong nửa đầu năm 2023. Sản lượng phân bón xuất khẩu giảm 15% còn 680 nghìn tấn và giảm 43% giá trị xuất khẩu còn 219 triệu USD.

Nhập khẩu phân bón cũng lần lượt giảm 7% về lượng và 28% về giá trị, chỉ còn 1,6 triệu tấn và 256 triệu USD. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu lại chiếm ưu thế hơn khi có tàu Ure từ Indonesia và Trung Quốc nhập về Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ Ure đang có dấu hiệu chậm lại tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác đã gây áp lực giá phân bón nội địa tiếp tục đi xuống. Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng, giá phân bón đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 do nguồn cung vượt cầu quá lớn.

Không nằm ngoài khó khăn chung, kết thúc nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của DCM đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán các sản phẩm chủ lực giảm mạnh. Đối với mảng phân bón, giá bán trung bình của Ure và NPK Phú Mỹ lần lượt giảm 36% và 18% trong 6 tháng đầu năm 2023 dù số lượng phân bón được sản xuất ra khá lớn.

Dù chi phí điều hành giảm mạnh nhờ ứng dụng khoa học, thế nhưng lợi nhuận của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) trong 2 quý đầu năm 2023 chỉ đạt 290 tỷ đồng, giảm 71,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bù lại, DCM có tỷ lệ nợ vay thấp, khả năng thanh toán lành mạnh và rủi ro chiếm dụng vốn không cao.

Từ giữa tháng 7, thị trường phân bón Việt Nam đón nhận tín hiệu tích cực khi giá Ure thế giới tăng nhẹ do nhu cầu lương thực tăng cao sau việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhân cơ hội này, các doanh nghiệp phân bón tích cực sản xuất, tăng sản lượng xuất khẩu và điều chỉnh giá nội địa.

BVSC dự phóng, giá Ure sẽ tiếp tục tăng cho đến hết năm 2023, tuy nhiên sẽ không thể tạo nên một “cơn sốt” trừ khi có biến động địa – chính trị. Do đó, BVSC cũng khuyến nghị các doanh nghiệp không nên sản xuất dư nhiều hàng và “cầm chừng” trong nhập khẩu nguyên liệu bởi nhu cầu tiêu thụ phân bón vẫn có thể giảm do El Nino kéo dài, gây bất lợi cho gieo trồng.

Với một số nhận định về thị trường như trên, BVSC dự phóng quý III/2023, DCM có thể đạt 3.387 tỷ đồng doanh thu thuần nhờ hưởng lợi thị trường chung phục hồi, nhưng vẫn giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 387 tỷ đồng, giảm 47% so với quý III/2022.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh vẫn thấp hơn cùng kỳ được BVSC nhận định do DCM đang tạm trích chi phí mua khí đầu vào theo tỷ trọng khí mua từ Petronas chiếm 50%, trong khi trước đây tỷ lệ này chỉ là 10 - 15%. Với tỷ lệ này, chi phí khí đầu vào (bao gồm thuế và giá vận chuyển khí) có thể sẽ lên tới 9,8 USD/mmBTU trong 2023, tăng 2% so với 2022.

Chờ đợi hồi sau

Với những tín hiệu mới của thị trường Ure thế giới nửa cuối năm, BVSC dự phóng trong năm 2023, DCM có thể đạt 12.698 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu đến từ Ure đạt 8.831 tỷ đồng, NPK là 1.280 tỷ đồng, bán hàng phân bón và bao bì đạt 2.091 tỷ đồng.

Lý giải về nhận định trên, BVSC cho rằng doanh thu năm 2023 của DCM giảm do có mức nền cao từ 2022, trong đó mảng phân bón ước tính giảm 23% vì giá bán giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ. Bù lại, chi phí khấu hao sẽ giảm đáng kể từ quý IV/2023 do các nhà máy Ure của DCM đã hết khấu hao từ cuối quý III.

Đạm Cà Mau (DCM) khó theo kịp mức nền so sánh cao ở nửa cuối 2023
VSC cho rằng doanh thu năm 2023 của DCM giảm do có mức nền cao từ 2022, trong đó mảng phân bón ước tính giảm 23% vì giá bán giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ.

BVSC ước tính, chi phí khấu hao hàng năm của nhà máy Ure dao động từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng, tương đương 65% lợi nhuận trước thuế năm 2023. Tuy nhiên, đến năm 2024, BVSC ước tính chi phí khấu hao sẽ giảm 877 tỷ đồng so với 2023 và trở thành động lực tăng trưởng lớn DCM có lợi nhuận “nhảy vọt” tới 61% so với cùng kỳ trong 2024.

Bước sang giai đoạn 2024 - 2028, BVSC dự phóng lợi nhuận của DCM phục hồi mạnh mẽ nhờ giá phân bón sẽ “thoát đáy”. Động lực thúc đẩy đến từ giá nông sản tăng cao sẽ kích thích nhu cầu sử dụng phân bón trong 2024 và chi phí khấu hao nhà máy Ure sẽ giảm trung bình 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Qua những dấu hiệu tích cực, BVSC đưa ra 1 kịch bản tích cực đối với doanh thu và lợi nhuận của DCM. BVSC dự phóng năm 2024, doanh thu thuần của DCM sẽ đạt 14.041 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.893 tỷ đồng, tăng 47% so với kịch bản tích cực của năm nay.

Về sản phẩm, BVSC dự phóng sang năm 2024, sản lượng tiêu thụ Ure sẽ tăng nhẹ 2% và giá bán ở mức 10.300 đồng/kg, tăng 3% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu tiêu thụ phân bón và hỗ trợ giá bán.

Đối với sản phẩm phân bón NPK, sản lượng tiêu thụ có thể đạt 120 nghìn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ do DCM cần thời gian để tạo dựng thương hiệu và sự uy tín trên thị trường, giá bán khuyến nghị ở mức 13.100 đồng/kg, tăng 2% so với năm 2023. Mặt hàng phân bón khác và bao bì cũng dự kiến tăng 10%, giá bán bình quân tăng 5% so với năm trước.

Bên cạnh đó, BVSC cũng “trấn an” các nhà đầu tư vào DCM với nhận định tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho việc chi trả cổ tức cao. Hiện tại, sức khỏe tài chính của DCM đang khá tốt với số dư tiền mặt ròng khoảng 10.200 tỷ đồng. BVSC dự báo cổ tức mà DCM sẽ chia trong giai đoạn 2024 - 2028 là 2.500–3.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận trung bình là 75% trong giai đoạn 2024 - 2028.

“Xuôi dòng” theo thị trường phân bón thế giới, giá cổ phiếu DCM trong 1 tháng trở lại đây cũng tăng không ngừng. Ngày 17/8/2023, giá cổ phiếu DCM ở mức 30.000 đồng/cp, thế nhưng tính đến 14h phiên giao dịch ngày 15/9/2023, giá cổ phiếu đã ở ngưỡng 34.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, trong 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu DCM “tăng giảm” liên tục, cao nhất ở ngưỡng 34.400 đồng/cp, thấp nhất là 33.600 đồng/cp. Theo đó, BVSC cũng đưa ra mức giá khuyến nghị với cổ phiếu DCM, chạm ngưỡng 40.500 đồng/cp, cao hơn khoảng 17% so với mức giá hiện tại nhờ kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ổn định từ 2.300 – 2.500 tỷ đồng/năm.

Giá Ure và cổ phiếu phân bón "trắng bán" sau đề xuất cấm xuất khẩu của Trung Quốc

Mới đây, Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure. Trước thông tin ...

Hàn Quốc cho rằng không xảy ra khủng hoảng thiếu hụt urê

Trong tuyên bố đưa ra hôm nay, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết các kênh nhập khẩu urê từ Trung Quốc đã được đa ...

Ngành phân bón: "Nép mình" chờ bình minh, cổ tức thành niềm “an ủi” lớn nhất cho nhà đầu tư

Trước thông tin Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu urê, các nhà phân tích cho rằng triển vọng của ngành phân bón Việt Nam đang ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán