Đảm bảo lợi ích cho các ngành sản xuất trong nước

(Banker.vn) Năm 2023, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội để hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại từ nước ngoài
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 9 nhóm nhiệm vụ tại hội nghị thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 “Gỡ nút thắt” phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Chủ động phối hợp

Các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp tăng trưởng xuất khẩu song cũng khiến hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tiếp tục bị các thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại (PVTM). Trong năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra PVTM. Ngoài ra, một số ngành hàng đang tiếp tục bị xử lý các vụ điều tra được khởi xướng từ năm 2022. Tổng cộng Việt Nam đang phải xử lý 22 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Như vậy, tính đến nay đã có 239 vụ việc điều tra biện pháp PVTM đối với hàng hoá Việt Nam.

Đảm bảo lợi ích cho các ngành sản xuất trong nước
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực. Ảnh: TTXVN

Trước các vụ điều tra từ thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý, hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, nhờ sự vào cuộc kịp thời, công tác PVTM đạt một số kết quả, như Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Philippines giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mexico đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó.

Ngoài ra, điểm nhấn trong công tác PVTM đó là Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, qua đó giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Về công tác PVTM trong nước, tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 27 vụ việc PVTM. Công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được nhận trợ cấp trái với cam kết quốc tế, gây thiệt hại đáng kể, nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước. Qua đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ giúp ngành sản xuất trong nước phục hồi, phát triển; góp phần nâng thêm giá trị gia tăng trong nền kinh tế, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tiếp tục triển khai 3 hoạt động trọng tâm

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 các vụ điều tra PVTM đang tiếp diễn theo xu hướng những năm gần đây, đó là bên cạnh điều tra PVTM truyền thống như trợ cấp, tự vệ, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của ta đã đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 4 vụ việc gồm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội. Việt Nam với chủ trương tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, chủ động tích cực quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế vì thế đã trở thành luồng thu hút đầu tư quốc tế. Vì vậy, xu hướng điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới”- ông Trung nhấn mạnh.

Ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, việc đối diện với các biện pháp PVTM, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Đặc biệt, nếu bị áp mức thuế cao sẽ dẫn tới mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là dẫn tới thị phần giảm sút và không xuất khẩu sang thị trường khác. tối đa thiệt hại nguy cơ có thể xảy ra với doanh nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, về năng lực ứng phó của doanh nghiệp so với trước đây nhận thức về PVTM đã có sự cải thiện rất lớn. Tuy nhiên, do các hoạt động PVTM ngày càng mở rộng về mặt thị trường và ngành hàng nên có nhiều hơn các nguy cơ, rủi ro trở thành đối tượng điều tra PVTM của thị trường nước ngoài. Đặc biệt, khối doanh nghiệp mới, ngành hàng mới bỡ ngỡ, chưa thực sự lưu ý đến tác động có thể xảy.

Năm 2024, dự báo xuất khẩu hàng hoá tiếp tục gia tăng, thị trường tiếp tục được mở rộng nhờ việc thực thi các FTA bước vào giai đoạn mới, vì thế nguy cơ bị điều tra PVTM cũng sẽ cao hơn do xu hướng bảo hộ của thị trường nước ngoài. Trước bối cảnh đó, ông Chu Thắng Trung cho biết, Cục PVTM tiếp tục đẩy mạnh công tác PVTM, trong đó sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu với 3 hoạt động trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục vận hành hệ thống cảnh báo sớm để phân tích, đánh giá, xác định những nguy cơ có thể xảy ra với những ngành hàng, thị trường cụ thể, qua đó giúp các doanh nghiệp, ngành hàng có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, sẵn sàng ứng phó nguy cơ trên thực tế có thể xảy ra. Thứ hai, nâng cao năng lực ứng phó xử lý các biện pháp PVTM, qua đó hướng dẫn cho doanh nghiệp nắm được và có nhận thức cơ bản về PVTM, để họ hình dung hoạt động cần phải triển khai, xử lý khi các vụ việc thực sự xuất hiện. Thứ ba, trong các cuộc điều tra PVTM cụ thể, Cục PVTM sẽ hỗ trợ tư vấn cụ thể hơn quy trình thủ tục mà doanh nghiệp phải tuân thủ, đồng thời trên cơ sở xây dựng chiến lược xử lý, ứng phó phù hợp.

Đối với công tác PVTM trong nước, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập của nền kinh tế, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ tiếp tục thực hiện cuộc điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu một cách công bằng, công khai, minh bạch. Trong đó, Cục PVTM sẽ tiến hành thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, không chỉ với ngành sản xuất trong nước mà cả với những bên liên quan bị ảnh hưởng bởi các biện pháp PVTM để đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp PVTM một cách công bằng theo đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương