Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo 2 chương trình

(Banker.vn) Vừa qua trong khuôn khổ Lễ khai giảng năm học mới, Đại học CN Dệt may Hà Nội (HTU) đón nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho 2 chương trình đào tạo.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội công bố điểm trúng tuyển Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Từng bước đổi mới mô hình đào tạo

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội (HTU) - cho biết, ngay từ những năm đầu thành lập, HTU đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, học kỹ năng tư duy đi đôi với thực hành chuyên môn, gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tế doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực của xã hội…

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo 2 chương trình
TS. Hoàng Xuân Hiệp phát biểu tại buổi lễ đón chứng nhận

Trường có trên 83% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 30% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3-5 năm. Hai ngành đào tạo đại học chủ chốt của trường là Công nghệ may và Quản lý công nghiệp có từ 88-100% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Nhà trường hiện có tổng số 319 phòng học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập sản xuất, được trang bị trên 3000 thiết bị hiện đại; Hệ thống chuyển đổi số đã được đầu tư để đồng bộ hóa các hoạt động quản trị trong nhà trường từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo; cải tiến 8 chương trình đào tạo đại học theo phương pháp CDIO; Trung tâm sản xuất dịch vụ với quy mô 500 nhân lực, nhiều thiết bị CAD/CAM, CNC, tự động hóa, kỹ thuật số, chuyên tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu cho thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… là hình mẫu cho đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo sinh viên trong môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế…

Với việc quyết liệt triển khai giá trị cốt lõi về chất lượng tại trường, tính đến tháng 9/2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã có 22% chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, cao hơn 2% so với hệ thống giáo dục đại học cả nước. Toàn quốc hiện có 7/11 trường đại học đào tạo ngành công nghệ may đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 5/7 trường đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường HTU đứng thứ hai về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%. Cả nước có 6/14 trường đại học đào tạo ngành Quản lý Công nghiệp đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 3/6 trường đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì HTU đứng thứ nhất về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%”- TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.

Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã vinh dự được nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng cho 2 chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo 2 chương trình
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đánh giá cao kết quả trong công tác đào tạo của HTU

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo khảo sát khi kiểm định chất lượng 2 ngành, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc ngay, có ngành tới 99%, với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng là một con số ấn tượng, và đây cũng là một yếu tố thuận lợi đối với HTU trong công tác tuyển sinh, cũng như giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn về định hướng công việc. Việc trao kiểm định chất lượng 2 ngành học quan trọng của Nhà trường cũng là sự khẳng định về chất lượng đào tạo, cam kết của nhà trường về đầu ra cho sinh viên, đây thực sự là một trong minh chứng thể hiện được những thành tích tốt của nhà trường trong đào tạo bậc Đại học, Cao đẳng.

Chúc mừng thầy, trò nhà trường đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, năm học mới 2023 - 2024 được khai giảng trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, bởi xét về 12 tiêu chí căn bản nhất để đánh gia năng lực cạnh tranh của các quốc gia sản xuất - xuất khẩu dệt may thì Việt Nam vẫn đứng cao nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may.

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo 2 chương trình
Ông Lê Tiến Trường cho biết, Việt Nam vẫn đứng cao nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may

Do đó, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là một cường quốc về dệt may bởi nhiều yếu tố như: chất lượng, kỹ thuật cao là thế mạnh của Việt Nam; ưu đãi thuế quan với EU sẽ về 0% vào năm 2026; Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là khu vực phát triển nhanh, tiền đề cho chuỗi cung ứng đặt tại Việt Nam để sản xuất; Chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực cao hơn các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar, Campuchia…”- ông Lê Tiến Trường cho hay.

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, một trong những yếu tố cốt lõi là cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng Đại học, Cao đẳng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế số, trong đó tập trung phát triển mô hình sản xuất từ thiết kế thời trang đến sau bán hàng, làm việc từ xa trên nền tảng số. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng cần có kỹ năng tiếng Anh, làm việc trên môi trường số và quốc tế.

Theo ông Lê Tiến Trường, trước đây tỷ lệ cán bộ kỹ thuật trong sản xuất chỉ khoảng 1% với ngành may thì mô hình mới cần ít nhất 5%. Đối với ngành sợi, công nhân lao động thủ công sẽ giảm bởi sự thay thế bởi máy móc, tự động hóa, nhưng cán bộ kỹ thuật sẽ tăng cao.

Hiện HTU đang hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ là một mô hình tương đối “đặc biệt”, hoạt động theo các quy chuẩn của trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn về tài chính. Do đó, việc liên tục đổi mới, nhất là chương trình và nội dung đào tạo là một trong những yếu tố then chốt để thu hút người học.

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo 2 chương trình
HTU đón Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 2 chương trình đào tạo

Việc 2 chương trình đào tạo được công nhận chất lượng giáo dục là sự khẳng định cam kết của nhà trường với người học và xã hội, là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường ngay sau khi nhà trường được trao chứng nhận về kiểm định chất lượng trong năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, HTU cần xây dựng cho sinh viên được trải nghiệm thật mô hình sản xuất thông qua trung tâm sản xuất dịch vụ của Nhà trường để các em được trải nghiệm thực tiễn đang diễn ra tại doanh nghiệp chứ không chỉ là “cầu nối” trang bị cho các em sinh viên giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương