Đại biểu Quốc hội: Chỉ nên cấm ép buộc học thêm vì vụ lợi Dạy thêm, học thêm: Bộ chỉ đạo, địa phương vẫn lúng túng! |
Sáng 6/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những điểm nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia tranh luận chính là vấn đề dạy thêm, học thêm.
![]() |
Sáng 06/05, Quốc hội tảo luận về Luật Nhà giáo. Ảnh: VPQH |
Hạn chế dạy thêm nhưng không cực đoan
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng: Quan điểm hiện nay của ngành giáo dục là hạn chế dạy thêm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, thúc đẩy học tập tích cực. Tuy nhiên, bà cũng nêu thực tế rằng một số hình thức dạy học ngoài giờ như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu hay dạy học bổ trợ hoàn toàn có giá trị nếu được tổ chức đúng pháp luật.
![]() |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: VPQH |
Từ đó, bà đề nghị quy định rõ rằng những hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp lý và không mang động cơ vụ lợi, cần được xem là một phần trong hoạt động nghề nghiệp hợp pháp của nhà giáo.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu lo ngại khi dự thảo quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo ông, điều này có thể bị hiểu ngầm là công nhận việc dạy thêm, học thêm là phổ biến và không bị cấm.
Ông Tám đặt vấn đề, nếu chương trình giáo dục và cách dạy ở trường đã đủ giúp học sinh hiểu bài ngay trên lớp hoặc tự học tại nhà, thì vì sao vẫn còn nhu cầu học thêm? Phải chăng chương trình học quá nặng, vượt khả năng tiếp thu của học sinh? Ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại bản chất thực sự của nhu cầu học thêm trong xã hội hiện nay.
![]() |
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: VPQH |
Đề xuất luật hóa như một loại hình dịch vụ có kiểm soát
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng: Không nên nhìn nhận học thêm chỉ từ góc độ tiêu cực. Theo bà, nhiều học sinh và phụ huynh hoàn toàn tự nguyện tìm đến các trung tâm học thêm ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc hoặc các môn văn hóa để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đây là nhu cầu chính đáng của xã hội học tập và không thể đánh đồng với việc giáo viên ép buộc học thêm để trục lợi.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH |
Bà Thu nhấn mạnh rằng giáo viên cũng có nhu cầu tăng thu nhập. Khi hoàn thành giờ dạy chính khóa, việc dạy thêm ngoài giờ là một hoạt động lao động chuyên môn hợp pháp nếu được tổ chức đúng quy định. “Giáo viên từ bỏ thời gian cá nhân để làm thêm, dạy thêm mà không ép buộc học sinh thì không có gì sai trái. Vấn đề là ngăn chặn triệt để tình trạng lạm dụng để ép học sinh học thêm”, bà nói.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Thu đề nghị sửa đổi quy định của dự luật về những việc không được làm của nhà giáo từ “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” thành “cấm tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật”. Bà cho rằng cách diễn đạt mới này rõ ràng, bao quát hơn và có tính khả thi cao hơn trong thực tiễn.
Bà cũng nhấn mạnh việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết trong bối cảnh áp lực chương trình học, đặc biệt với học sinh tiểu học, đang ngày càng gia tăng. Cùng với đó, cần giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai, minh bạch như các trung tâm đào tạo hợp pháp, có hệ thống quản lý chặt chẽ và đặc thù phù hợp từng cấp học.
Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện là văn bản điều chỉnh trực tiếp việc dạy thêm, học thêm. Văn bản này quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện tổ chức và giám sát hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy thông tư vẫn chưa đủ sức điều tiết tình trạng học thêm tràn lan, dẫn đến yêu cầu cần một cơ chế pháp lý cao hơn, mang tính luật định nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và hạn chế tiêu cực. |