Đại biểu Quốc hội: "Vốn chậm đến tay người dân là có lỗi với dân"

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa kiến nghị khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương. Vốn mà không được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân.
Đại biểu Quốc hội: Còn hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Phải giải quyết dứt điểm những bức xúc về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt

"Còn nặng thành tích để bằng chị, bằng em"

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng, được đông đảo nhân dân, đồng bào hưởng ứng tán đồng. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chung là mốc quan trọng cho việc chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không còn riêng lẻ, rời rạc như trước đây làm hạn chế tính cấp thiết của chương trình.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc miền núi đã có nhiều khởi sắc.

Chính phủ, Ban Chỉ đạo cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của người dân, của chuyên gia về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện thời gian qua nên đã có chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung những văn bản chồng chéo, bất cập, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nêu cụ thể về chương trình xây dựng nông thôn mới đã bám sát mục tiêu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, tính đến nay cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã nông thôn mới nâng cao, 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 263 huyện hoàn thành chuẩn nông thôn mới; đặc biệt đã có 5 tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng nêu, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc miền núi và giải ngân chậm; vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các tỉnh có thu nhập thấp.

Xã được công nhận nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, có sự du di để đạt tiêu chí. "Còn nặng thành tích để bằng chị, bằng em dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa" - ông Hòa chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn vì người dân cho rằng đã vận động rồi thì việc nâng cấp, tu sửa là việc của nhà nước nên ít người tham gia, nhất là các doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong thời kỳ hậu Covid-19 nên chỉ tham gia có chừng mực.

Khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng phản ánh, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, sạch chậm và khó nhân rộng. Năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới còn có những mặt hạn chế nhất định lại luôn thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ.

Xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành và người dân quan tâm. "Điều mong muốn chung của lãnh đạo địa phương là địa phương mình phải có phát triển, cuộc sống người dân khấm khá hơn theo thời gian, nhưng việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn là điều cần phải tránh. Các tiêu chí làm phải đảm bảo khi nào đạt thì mới được công nhận" - ông Hòa nhấn mạnh.

Mặt khác, cần quan tâm đến thiết chế văn hóa vì hầu như các xã đều có trung tâm văn hóa học tập cộng đồng nhưng khai thác rất kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị lại không biết sử dụng, đồng thời phải có sự giải quyết rốt ráo nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, vận động, tu bổ các tuyến đường giao thông nông thôn đã xuống cấp, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả. Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Khuyến khích ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn vì lĩnh vực này, các doanh nghiệp rất ngại đầu tư do hiệu quả thấp.

Ông Hòa cũng kiến nghị khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương. "Vốn mà không được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với người dân" - ông Hòa nói, đồng thời nêu thực trạng, đối với các xã khu vực 2, 3 khi đạt chuẩn nông thôn mới thì không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước nên biểu hiện chần chừ, không muốn phấn đấu đạt chuẩn.

Thậm chí có xã đến ngưỡng rồi mà vẫn chần chừ. Đó là nghịch lý của các chính sách và nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về lợi ích và thiệt hại khi đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, cần phải có sự hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã ở khu vực này để được sự đồng thuận cao.

Đồng thời, khắc phục biểu hiệu tự mãn của các tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn nông thôn mới; thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí, trông chờ, ỷ lại kinh phí của cấp trên. "Chung sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu là một vấn đề cực kỳ quan trọng cần phải phát huy" - đại biểu bày tỏ.

Ông Phạm Văn Hòa cho biết thêm, về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương nào có quan tâm đầu tư trọng tâm trọng điểm thì mức hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống rõ rệt hàng năm. Năm 2021 giảm 0,2%; năm 2022 giảm 1,7%; năm 2023 giảm 0,1%, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%.

Việc triển khai 6/7 dự án với 9/11 tiểu dự án được các ngành, các cấp địa phương tổ chức thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Chương trình hỗ trợ tín dụng để thoát nghèo tăng đều qua các năm, bình quân là 12% đến 15%.

Tuy nhiên, qua giám sát đã phát hiện còn một số nhỏ tồn tại, hạn chế, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương có mặt chưa chặt chẽ, cần phải khắc phục để guồng máy hoạt động tốt.

Tình trạng giải ngân vốn ngân sách trung ương và địa phương đạt thấp, dưới 50%, thậm chí có những dự án đạt dưới 10% là "chuyển dài nhiều tập", làm ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội cũng cần có chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Giữa các địa phương với nhau cũng có kết quả giải ngân khác nhau, trong khi đó, có cùng một cơ chế, chính sách, thời điểm phân bổ, giao vốn.

Điểm đáng quan tâm đó là nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được xây dựng, hỗ trợ xây dựng nhà, khi nhà xuống cấp cần sửa chữa lại không có tiền, phải trông chờ nhà nước hoặc các nguồn tài trợ tiếp. Có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn hưởng chính sách của nhà nước.

Việc vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng nhà, sửa chữa nhà, cho con em học hành... nhiều đối tượng sử dụng sai mục đích, không có khả năng hoàn vốn mà chỉ có nhiệm vụ đóng lãi hàng tháng, nên việc quay vòng vốn cho các đối tượng khác là điều không thể.

Vì thế, nhà nước cứ phải bơm vốn để đảm bảo cho an sinh xã hội cho toàn dân. Đó là thực trạng mà các địa phương đều có nhiều hay ít.

Do đó, việc giáo dục nhận thức, tuyên truyền là điều kiện cần để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội mới thoát nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo, trong khi nguồn vốn của của nhà nước và các nguồn vốn khác là hữu hạn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương