Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn: Vì sao “căn bệnh” sợ trách nhiệm lan rộng?

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi tại sao trước đây không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện?
Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Hãy nhìn thẳng vào khó khăn Đại biểu Quốc hội: "Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao của Việt Á" Đại biểu Quốc hội: Không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Quốc hội: Vì sao “căn bệnh” sợ trách nhiệm lan rộng?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh phát biểu thảo luận tại hội trường

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đại biểu đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo nhưng đặt câu hỏi tại sao trước đây không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện?

Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Về nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng có thể khắc phục được ngay. “Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không? khi nhận diện được thì xử lý thế nào?” - đại biểu nêu.

Do đó, đại biểu Tuấn cho rằng, ngay trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” thế này, giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay đó là “ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt”.

Về lâu dài, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo sự đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ “năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu Tuấn nhấn mạnh, đây nhóm cán bộ chiếm đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm. Đó là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

Theo ông Tuấn, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật là vì một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện… như thế gây ra nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực hiện công vụ. Thêm một lý do nữa là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả.

"Đặc biệt có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện, bị xử lý hình sự. Từ những vụ án này đã làm cho cán bộ lo sợ. Bởi lẽ những cán bộ ấy đã từng làm công việc tương tự vào thời điểm trước đây… từ đó hình thành nên tâm lý cán bộ lo sợ” - đại biểu Tuấn nêu rõ.

Từ đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi xem vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.

Mặt khác, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.

"Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả", đại biểu Trần Quốc Tuấn lưu ý.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục