Đại biểu Quốc hội: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao?

(Banker.vn) Câu hỏi: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao? được đại biểu đưa ra trong buổi thảo luận tại Tổ sáng nay, ngày 24/10

Ngân hàng Nhà nước sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng Điều chỉnh lãi suất huy động: Gửi tiết kiệm ngân hàng nào để hưởng lãi suất cao? Vòng luẩn quẩn trong chính sách tiếp cận vốn

Trong buổi thảo luận tại Tổ sáng nay, ngày 24/10 đại biểu Nguyễn Thị Yến- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra câu hỏi: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao?

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng nay (24/10) các đại biểu thảo luận tại Tổ về các vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: Phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng cùng kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao?
Sáng 24/10, các đại biểu thảo luận tại Tổ (Ảnh: Thu Hường)

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế đất nước năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng: Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế- xã hội năm 2023 của nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ

“Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; hoạt động đối ngoại được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên…”- đại biểu Yến nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, trong khi kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% (là 3,56%) dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến thảo luận tại Tổ số 4 sáng 24/10 (Ảnh: Thu Hường)

Tỷ giá đã có những biến động mạnh, trong tháng 8/2023, đỉnh điểm có lúc Việt Nam đồng mất giá 2,3% so với đầu năm, đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi. “Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông tin rõ để các đại biểu được biết: Có hay không có việc một số ngân hàng thương mại của Việt Nam gửi tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài (ví dụ: ngân hàng Mỹ), để lấy lãi tín dụng cao?”- đại biểu Yến đề nghị.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Yến đã đề nghị Chính phủ cần có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; có giải pháp quản lý, ổn định giá vàng trong nước.

Đặc biệt, có kế hoạch, lộ trình và các giải pháp xử lý các tồn đọng, vướng mắc về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiện nay lỷ lệ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn rất thấp.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước này. “Liên quan đến nội dung này, tôi cũng đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thông tin, làm rõ thêm việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không”- đại biểu Yến đề nghị.

Cần có giải pháp chuyên sâu cho vấn đề thất nghiệp, giải thể doanh nghiệp

Liên quan đến Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất như tờ trình của Chính phủ và đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng tương tự như thành phố Hồ Chí Minh; sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực tiễn thực hiện mô hình như đề xuất của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội: Có hay không ngân hàng trong nước gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài hưởng lãi cao?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về áp dụng tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng (Ảnh: TTH)

Liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và nguyên nhân giải thể, phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp, theo đại biểu Sửu, quan trọng là phải rà soát những doanh nghiệp giải thể đã hoạt động như thế nào. “Có những doanh nghiệp hoạt động nhiều năm, vốn điều lệ tốt tại sao phải giải thể, dừng hoạt động. Chúng ta chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân, có doanh nghiệp ở tầm quy mô lớn đã tác động rất nhiều đến người lao động, nguồn thu ngân sách nhà nước và nhìn xa hơn là kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”- đại biểu Sửu đánh giá.

Trong khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi từ 15-24 khá cao, quý 3/2023 là 7,68%, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị cao hơn khá nhiều so với nông thôn. “Lực lượng lao động này thất nghiệp từ nguyên nhân các doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động và cả từ các vấn đề khác”- đại biểu Sửu cho hay.

Qua đó, đại biểu Sửu mong muốn Chính phủ có giải pháp hiệu quả, chuyên sâu, hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, giải thể của doanh nghiệp bởi giải pháp cho vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ chưa rõ nét.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương