Cựu thẩm phán lãnh án 15 năm tù; Ngôi chùa của sư Thích Chân Quang bị cáo buộc xây dựng trái phép

(Banker.vn) Cựu thẩm phán lãnh án 15 năm tù; Ngôi chùa sư Thích Chân Quang trụ trì bị cáo buộc xây dựng trái phép... là những tin nóng đáng chú ý ngày 26/8/2024.
Luật sư nói về trách nhiệm lưu trữ và đào tạo bằng cấp cho Thượng tọa Thích Chân Quang Chùa của sư Thích Chân Quang 'ngang nhiên' tồn tại 35 công trình trái phép lấn chiếm đất rừng Sư Thích Chân Quang nói đọc báo là góp phần phá rừng, nhưng chùa Phật Quang lại lấn chiếm đất rừng

Giá vàng nhẫn lên đỉnh lịch sử, tiệm cận giá vàng miếng SJC

Trong phiên giao dịch ngày 26/8, giá vàng thế giới đi ngang. Giá vàng giao ngay hiện đứng ở mức 2.512 USD/ounce, giữ nguyên so với giá chốt phiên 23/8. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 75,9 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Tại thị trường trong nước, vàng miếng SJC tiếp tục giữ mức 79 - 81 triệu đồng/lượng…

Cựu thẩm phán lãnh án 15 năm tù; Ngôi chùa của sư Thích Chân Quang bị cáo buộc xây dựng trái phép
Vàng nhẫn tăng giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/8

Đợt tăng trên 2.500 USD vừa qua đánh dấu lần thứ năm giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Hợp đồng vàng tương lai tháng 12 được giao dịch ở mức 2.547 USD/ounce, gần như không thay đổi so với tuần trước. Tuy nhiên, vẫn có các nhận định trái chiều về hướng đi của vàng trong tuần này.

Giá vàng trong nước sáng nay ổn định. Cụ thể, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh hiện niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi cả hai chiều so với ngày hôm qua.

DOJI tại Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng thương hiệu này tại Thành phố Hồ Chí Minh đang mua vào và bán ra ở mức tương tự như Hà Nội. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 3,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 999,9 đang giao dịch ở mức 77,2 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên trước.

Nhìn chung, giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra với mặt hàng vàng nhẫn sáng nay đã là mức giá cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này. So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 15 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng hơn 24%. Đà tăng này giúp chênh lệch giá giữa vàng nhẫn và vàng miếng trong nước tiếp tục thu hẹp xuống còn khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Ngôi chùa Sư Thích Chân Quang trụ trì bị cáo buộc xây dựng 35 công trình trái phép trên đất rừng

Chùa Phật Quang, còn gọi là Thiền Tôn Phật Quang, nằm trên núi Dinh thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1992, Thượng tọa Thích Chân Quang trở thành trụ trì chùa này và từ năm 2007, ông được phong chức Thượng tọa. Chùa Phật Quang đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, ít ai biết, nhiều công trình trong khuôn viên ngôi chùa này xây dựng không có giấy phép, xây dựng trên đất rừng phòng hộ do nhà nước quản lý.

Cụ thể, theo hồ sơ mà phóng viên Báo Công Thương có được, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Theo nội dung kết luận năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ ra rằng trong tổng số 36 công trình tại chùa Phật Quang, chỉ có một công trình là có giấy phép xây dựng, đó là công trình Chánh điện. Tuy nhiên, giấy phép này cũng không đúng quy định vì diện tích xây dựng thực tế lớn hơn nhiều so với giấy phép được cấp. Cụ thể, chùa đã xây dựng Chánh điện với diện tích 445,4m², vượt quá diện tích 228m² được cấp phép.

Các công trình còn lại bao gồm nhiều hạng mục lớn như đường giao thông trải nhựa, diện tích lên đến 3.500m², và tổng diện tích xây dựng lên tới 25.692,5m², trong khi khuôn viên chùa chiếm tổng cộng 40.170,1m². Những công trình này không có giấy phép xây dựng, vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích rừng phòng hộ.

Trong quá trình chùa Phật Quang xây dựng các công trình không phép trên đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đại diện chùa Phật Quang không thực hiện các biện pháp khắc phục mà bất chấp xây dựng, không chấp hành quy định pháp luật về xây dựng.

Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với các công trình không phép của chùa. Đồng thời, Ủy ban nhân dân đề nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có liên quan, bao gồm các cơ quan cấp giấy phép xây dựng và quản lý rừng phòng hộ.

Dù vậy, cho đến nay, các công trình trái phép tại chùa Phật Quang vẫn tồn tại, chưa bị tháo dỡ theo quy định của pháp luật. Điều này đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo tại kết luận thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc cần xử lý nghiêm minh các vi phạm xây dựng không phép tại các cơ sở tôn giáo trong khu vực.

Gia Lai: Cựu thẩm phán lãnh án 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”

Ngày 26/8, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt ông Võ Đình Sớm, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Theo cáo trạng, ông Võ Đình Sớm là thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, được phân công thụ lý giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông P.A.T. (phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) và bị đơn là Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Sớm yêu cầu nguyên đơn phải đưa 1,5 tỷ đồng thì sẽ xử cho thắng kiện. Do nguyên đơn chưa vay được tiền, ông Sớm yêu cầu đưa trước 500 triệu đồng.

Ngày 4/8/2023, ông P.A.T đem 500 triệu đồng đến đưa cho thẩm phán Sớm tại phòng làm việc của ông tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Khi ông P.A.T vừa ra khỏi phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã bắt khẩn cấp Võ Đình Sớm, đồng thời khám xét, thu giữ ngay tại phòng làm việc của ông Sớm 500 triệu đồng đã nhận của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, ông Sớm không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Sớm cho rằng số tiền 1,5 tỉ đồng là để hợp tác làm trại chăn nuôi heo. Bản thân ông Sớm không thúc giục, hứa hẹn gì với ông Tuấn về việc giải quyết vụ án tranh chấp đất. Về số tiền 500 triệu đồng bị phát hiện tại phòng làm việc, ông Sớm cho rằng do ông Tuấn lén lút bỏ lại để vu khống, ám hại mình. Ông Sớm cũng cho rằng toàn bộ vụ việc là do ông "bị gài, bị vu khống, ám hại". Tuy nhiên, ông Sớm và các luật sư bào chữa không đưa thêm được chứng cứ mới thuyết phục.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên ông Sớm mức án từ 15 đến 16 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, tranh luận tại phiên tòa, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt ông Sớm với mức án 15 năm tù.

Tòa án nhận định, hành vi phạm tội của cựu thẩm phán Võ Đình Sớm là đặc biệt nghiêm trọng. Sớm đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, gợi ý người liên quan trong vụ án mà Sớm được phân công giải quyết chi tiền để giải quyết vụ việc theo mong muốn; làm cho người liên quan bức xúc trình báo cơ quan chức năng, gây dư luận xấu đến hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Huyền Trang - Trung Thắng

Theo: Báo Công Thương