Cụ thể, theo yêu cầu của NHNN, chậm nhất là ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đến nay, đã có 16/35 ngân hàng đáp ứng yêu cầu này.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Ngân hàng Nhà nướ. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022.
Sau 9 tháng đầu năm, VietinBank đã vượt qua BIDV, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ hơn 29%, vốn điều lệ của VietinBank đã nâng lên mức 48.058 tỷ đồng. Song, ngân hàng này còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa chỉ tiêu này đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 3/11 vừa qua, Chủ tịch VietinBank, ông Trần Bình Minh cũng khẳng định, trong năm nay, Ngân hàng chắc chắn sẽ thực hiện đúng các chỉ tiêu đã đăng ký với Đại hội đồng cổ đông.
Đứng vị trí thứ hai đang thuộc về VPBank khi ngân hàng này đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm gần 19.758 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
Tuy vậy, thứ hạng các ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục bị xáo trộn khi mới đây, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng. Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên của Vietcombank kể từ năm 2011.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2021, Thủ tướng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung 7.600 tỷ đồng tại Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nếu tăng vốn thành công lần này, Vietcombank sẽ soán ngôi đầu bảng trong hệ thống ngân hàng.
Cuộc đua đang ngày càng "nóng"
Ngày 22/11 tới đây, BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo kế hoạch đã thông qua, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ (tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. SHB tăng cũng vốn từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng...
ABBank cho biết, trong thời gian từ ngày 18/11-8/12/2021, Ngân hàng nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 20%. ABBank cũng đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần cho nhân viên theo Chương trình ESOP.
Đáng chú ý hơn, ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng. Sau khi kết thúc giai đoạn II (chia cổ phiếu thưởng), tổng vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn khủng khác trong năm 2021 phải kể đến như Sacombank (tăng gần 32%), VIB (tăng 44,2%), SCB (tăng 32,8%), OCB (tăng 31,8%), ACB và HDBank (cùng tăng 25%)...
Theo báo cáo của HSBC, hệ số CAR ở một số ngân hàng quốc doanh vẫn ở mức thấp. Do đó, Việt Nam cần tiến hành các kế hoạch tái cấp vốn và đẩy nhanh việc áp dụng các yêu cầu của Basel II, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020 đến đầu 2023.
Thực tế cho thấy, một khi nền tảng vốn dồi dào cùng chất lượng tài sản, quản trị rủi ro tốt là những yếu tố đã giúp cho ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống. Tuy nhiên, có một thực tế cũng phản nhìn nhận là, khi ngân hàng tăng vốn, thì áp lực đảm bảo lợi nhuận, chỉ số tài chính cũng phải tăng theo.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|