Củng cố quan hệ Việt Nam-Phần Lan, mở rộng hợp tác các lĩnh vực tiềm năng

(Banker.vn) Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan đến Việt Nam góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước; tạo đà mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm phù hợp khi triển khai dự án điện linh hoạt đầu tiên tại Việt Nam Doanh nghiệp Phần Lan muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam Phần Lan tiếp tục dẫn đầu với năm thứ 7 liên tiếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Phần Lan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 – 26/3/2024.

Đây là chuyến thăm đầu tiên ngoài khu vực châu Âu của Chủ tịch Jussi Hallap-aho kể từ khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, điều này cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan nghị viện hai nước.

Ưu tiên trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư

Việt Nam và Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 25/1/1973. Trải qua 51 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan luôn được duy trì phát triển tốt đẹp.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra vào tháng 9/2021 đã góp phần gia tăng tin cậy chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau và tạo thêm nhiều động lực mới cho quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Hợp tác Việt Nam - pHần lan
Những năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Phần Lan. Ảnh minh họa

Những năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Phần Lan. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan đã có những bước tăng trưởng ấn tượng.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 đạt hơn 374 triệu USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Phần Lan đạt 195,8 triệu USD. Xuất khẩu của Phần Lan sang Việt Nam đạt 179,9 triệu USD 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 62 triệu USD.

Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan là sắt thép, giày dép, hàng dệt may, cao su, phương tiện vận tải, đồ gỗ, xe đạp, máy vi tính, linh kiện điện tử, phụ tùng...

Chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan gồm thiết bị, máy móc, thiết bị phụ tùng, nguyên liệu dệt may, sắt thép các loại, gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm hóa chất, giấy các loại...

Về đầu tư, tính đến ngày 20/2/2024, Phần Lan xếp thứ 58/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 35 dự án đang còn hiệu lực, có tổng số vốn khoảng trên 47 triệu USD.

Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhiều dự án hỗ trợ của Phần Lan đã thực sự phát huy hiệu quả rất lớn như các dự án trồng rừng hoặc các dự án về nước sạch ở Thủ đô Hà Nội...

Thời gian gần đây, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch, giáo dục đào tạo... phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương

Chia sẻ với báo chí về quan hệ thương mại của hai nước Việt Nam - Phần Lan trong thời gian qua cũng như ý nghĩa của chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho tới Việt Nam lần này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nhận định, chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất; tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác.

Hợp tác Việt Nam - pHần lan
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong chia sẻ với các cơ quan báo chí về quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Phần Lan trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho ngoài khu vực châu Âu kể từ khi ông nhậm chức và chỉ đi thăm Việt Nam, không kết hợp thăm nước khác; là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan vào năm 2021 khi dịch COVID-19 đang diễn ra rất căng thẳng.

Điều này cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan, cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chuyến thăm đồng thời cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan - Việt Nam (1973-2023)” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thông tin và cho biết, Việt Nam đón Chủ tịch Quốc hội Phần Lan nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII. Cùng đó, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Đánh giá về tổng thể quan hệ của hai nước Việt Nam - Phần Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho rằng, quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan được duy trì, phát triển tốt đẹp. Phần Lan luôn dành cho Việt Nam sự quan tâm và giúp đỡ hết sức quý báu.

Trong những năm gần đây kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng, năm 2023 đạt gần 380 triệu USD. Tuy nhiên, đây là con số còn khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ năm 2020.

Tương tự, nhắc đến số liệu trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Phần Lan, ông Đôn Tuấn Phong cho biết, mức đầu tư này còn khiêm tốn so với tiềm lực kinh tế cũng như thế mạnh của Phần Lan.

Chính vì vậy, thông qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước Việt Nam – Phần Lan sẽ trao đổi, đề xuất thêm các biện pháp mới để tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư.

“Mục tiêu trước mắt là sớm nâng kim ngạch thương mại 2 nước lên mức cao hơn nữa và tăng cường đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp Phần Lan vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực mà nước bạn có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Công nghệ cao, chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo, sản xuất linh kiện...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Đôn Tuấn Phong, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho đến Việt Nam lần này cũng là dịp rất quan trọng để hai bên trao đổi nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Đây là một lĩnh vực rất tiềm năng giữa 2 nước, hiện có khoảng 2.500 sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình khác nhau ở Phần Lan, chủ yếu theo hình thức tự túc.

Đồng thời, là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Phần Lan đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước này (khoảng 12.000 người), cùng đó đề nghị tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng hòa nhập sâu hơn và đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của Phần Lan cũng như quan hệ hai nước.

Hợp tác Việt Nam - pHần lan
Mới đây, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và các doanh nghiệp Phần Lan để trao đổi về phương hướng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai nước

Đáng chú ý, mới đây, tại Hà Nội Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và các doanh nghiệp Phần Lan để trao đổi về phương hướng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.

Trong buổi làm việc, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã giới thiệu Wärtsilä là doanh nghiệp hàng đầu của Phần Lan trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, với giải pháp nhà máy sử dụng công nghệ điện linh hoạt ICE đã được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới và bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án điện linh hoạt ICE tại tỉnh Ninh Bình với đối tác Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất này và nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài khi nằm trong 15 quốc gia có môi trường thu hút FDI tốt nhất, luôn là 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn được duy trì ở mức cao.

Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan sẽ bàn các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp, nhất là trong việc trao đổi kinh nghiệm trong lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Từ đó tạo điều kiện cho hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục đào tạo…

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục