Cục Thuế TP.Hà Nội: Thu ngân sách 7 tháng ước đạt 337.200 tỷ đồng

(Banker.vn) 7 tháng năm 2024, Cục Thuế Thành phố Hà Nội chủ động nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thanh kiểm tra chống thất thu thuế
Cục Thuế Hà Nội thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ đọng thuế được 5.320 tỷ đồng Hà Nội xử lý 921 tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử Cục thuế TP. Hà Nội nói gì về lùm xùm tiếp thị liên kết của Shopee?

Trong 7 tháng năm 2024, Cục Thuế thành phố Hà Nội - thành viên Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, đã chủ động triển khai các cuộc kiểm tra đột xuất tại các cơ quan thuế. Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 337.200 tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả này là nhờ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của ngành thuế Thủ đô.

Cục Thuế  TP.Hà Nội: Thu ngân sách 7 tháng ước đạt 337.200 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 337.200 tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán. Ảnh minh họa

Theo đánh giá, kết quả thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến nay của Cục Thuế Hà Nội cho thấy nhiều điểm đáng ghi nhận. Tất cả các hạng mục thu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã đạt 70.200 tỷ đồng, đạt 89,3% và tăng 35,9%; thuế thu nhập cá nhân 32.400 tỷ đồng, đạt 79,1% và tăng 30,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 21.300 tỷ đồng, đạt 79,8% và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023...

“Công tác thu ngân sách đầu năm 2024 đạt kết quả cao một phần nhờ nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế đã tập trung quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử” - Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Cường thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Cục Thuế Thành phố Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, cơ quan này đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06 của Chính phủ, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của hơn 366.800 gian hàng, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Cùng đó, phối hợp các sàn thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian vận chuyển để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở đó xây dựng ứng dụng để tra cứu cơ sở dữ liệu theo tổ hợp các tiêu chí với thao tác đơn giản, xử lý nhanh, kết quả chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thuế, tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử nửa đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế Thủ đô cũng đã tích cực triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu, là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng; đồng thời, hoàn thành 94,6% kế hoạch năm 2024 về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Cũng trong 7 tháng năm 2024, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã có những bước phối hợp mạnh mẽ với các cơ quan chức năng khác như Ngân hàng cổ phần, Sở Công Thương, Cơ quan Quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389. Việc này nhằm xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các tổ chức và cá nhân kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử. Trên cơ sở dữ liệu này, Cục Thuế đã đánh giá rủi ro về thuế và đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra một cách hiệu quả.

Đặc biệt, việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra để truy vết các trường hợp cá nhân và tổ chức có rủi ro về thuế từ các giao dịch thương mại điện tử cũng đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế trên môi trường mạng đều được thanh tra, kiểm tra và xử lý.

Để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để gắn mã định danh căn cước công dân và mã số thuế lên tài khoản ngân hàng, nhằm kiểm soát tốt hơn các tài khoản giao dịch mua bán điện tử có tần suất giao dịch lớn trong ngày.

Có thể thấy, những nỗ lực và thành tựu của Cục Thuế Thành phố Hà Nội trong công tác kiểm tra đột xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng không chỉ mang lại kết quả tích cực trong việc tăng thu ngân sách mà còn góp phần ổn định và phát triển thị trường kinh doanh tại Hà Nội. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thời gian tới, ngành Thuế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024, Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, xây dựng trang cơ sở dữ liệu thương mại điện tử nhằm khai thác thông tin định danh của người nộp thuế, đồng thời đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ điện tử, kê khai, nộp thuế điện tử, hướng tới mở các cơ quan thuế quản lý thuế ảo, phòng hỗ trợ thuế ảo trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế số; tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử chống thất thu thuế…

Đồng thời, tập trung theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả; tập trung chống thất thu thuế các lĩnh vực có dư địa khai thác tăng thu lớn như thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất...

Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều thử thách, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả và công bằng trong thu thuế. Các phương hướng và giải pháp đề ra hứa hẹn sẽ nâng cao khả năng giám sát, xử lý vi phạm thuế trong lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục