Cửa khẩu Chi Ma: Không có việc "bảo kê, làm luật" chèn ép doanh nghiệp xuất nhập khẩu

(Banker.vn) Công an Lạng Sơn khẳng định, không có nhóm đối tượng nào hoạt động theo kiểu "bảo kê", "làm luật" chèn ép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma.
Mở cửa khẩu Chi Ma, hàng ngàn tấn trái cây sang Trung Quốc mỗi ngày Tạo điều kiện cho dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma Cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm: Nới lỏng xét nghiệm Covid-19 hàng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

Mới đây, trên báo chí có phản ánh tình trạng, nhiều doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn cho biết đang phải khổ sở… "làm luật" với một nhóm đối tượng có dấu hiệu bảo kê thì mới có thể làm ăn.

Cửa khẩu Chi Ma: Không có việc "bảo kê, làm luật" chèn ép doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại họp báo

Qua lời kể của một số chủ hàng, bình thường, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Chi Ma không phải đóng bất cứ loại phí “ngoài luồng” nào.

Tuy nhiên, gần đây, đã xuất hiện một nhóm đối tượng hoạt động dưới danh nghĩa là chủ bến bãi tập kết hàng đợi thông quan. Nhóm này yêu cầu chủ doanh nghiệp đóng tiền "làm luật" hàng chục triệu đồng/1 chuyến hàng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2023 do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 7/7, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: về thông tin Báo VTV News đăng tải vụ việc có hiện tượng "làm luật", "bảo kê" để thông quan hàng hóa, tiêu cực tại cửa khẩu Chi Ma, ngay sau khi bài báo được đăng tải, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành và các lực lượng kiểm tra, xác minh các nội dung.

Riêng lực lượng Công an, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương tổ chức xác minh, tham mưu cho tỉnh xử lý (nếu có). Trước hết, phải khẳng định là trước, trong và sau khi bài báo đó đăng tải, hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Chi Ma vẫn diễn ra bình thường, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng (gồm cả lực lượng Công an) chưa hề nhận được phản ánh nào của người dân, doanh nghiệp phản ánh về sự gây phiền hà, tiêu cực tại cửa khẩu Chi Ma.

“Qua xác minh ban đầu, Công an Lạng Sơn khẳng định không có nhóm đối tượng nào hoạt động theo kiểu bảo kê, chèn ép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, buộc “làm luật” để được thông quan như báo chí đưa tin” - ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng thông tin, hàng ngày tại cửa khẩu Chi Ma vẫn có từ 40 - 50 xe hàng hóa nhập khẩu được thông quan theo thủ tục quy định, chưa phát hiện có tiêu cực. Tuy nhiên, chúng tôi xác định có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bến bãi theo chiều hướng bến bãi nào cũng muốn hàng hóa vào bãi của mình nhiều hơn, đố kỵ, nói xấu hạ uy tín của bến bãi khác (tại khu vực cửa khẩu Chi Ma hiện có 8 bãi tập kết hàng hóa, 3 kho ngoại quan).

Công an Lạng Sơn đang chỉ đạo tiếp tục xác minh triệt để và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có) với tinh thần không có vùng cấm, cho dù đó là bất kể tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào- ông Tuấn nêu.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã tổ chức họp lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo Tổ, Đội và chủ động thành lập Tổ xác minh thông tin, làm rõ các thông tin và các nội dung khác có liên quan, đồng thời đề xuất, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).

Chi cục đã triển khai làm việc với một số doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục hải quan qua Chi cục, các doanh nghiệp quản lý bến bãi, kho hàng; xác minh các đối tượng có tên như bài báo đăng, lập biên bản ghi nhận sự việc để làm căn cứ báo cáo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn biết và chỉ đạo.

Chi cục đã mời và làm việc với 24 doanh nghiệp đang có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn và 8 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi. Các doanh nghiệp này thường xuyên mở tờ khai tại Chi cục và nhập khẩu hàng hóa các loại: Hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, hàng chuyển phát nhanh, lương khô, gạch men, vải...; đồng thời, đều trực tiếp đứng tên ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc và đều cử nhân viên trực tiếp làm thủ tục hải quan không thuê dịch vụ hoặc qua đại lý hải quan - ông Vy Công Tường cho hay.

Quá trình làm thủ tục hải quan qua cửa khẩu Chi Ma, các doanh nghiệp thực hiện việc khai báo hải quan đúng theo các quy định của pháp luật và đã được Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đúng theo quy định, tạo mọi điều kiện hướng dẫn thủ tục, thông quan nhanh hàng hóa, không có các đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp. Cơ quan hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bất kỳ khoản tiền nào ngoài quy định.

Trong quá trình nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma, các doanh nghiệp không nhận được thông báo hay yêu cầu của các tổ chức, cá nhân nào về việc đóng các khoản tiền để được làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa - ông Tường nói.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương