Coteccons (CTD) dự kiến mua lại 25 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

(Banker.vn) Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu phát hành đầu năm 2022 theo yêu cầu của trái chủ.

Cụ thể, Coteccons dự kiến mua lại 25 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã CTD122015 theo yêu cầu của trái chủ. Thời gian mua lại là ngày 16/1/2023.

Được biết, Coteccons đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định là 9,5%/năm, ngày phát hành là 14/1/2022 và đáo hạn ngày 14/1/2025.

Coteccons (CTD) dự kiến mua lại 25 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 3.113,5 tỷ đồng, tăng 190,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 3,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 11,8 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 1,6% về còn 1,1%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 8.306,6 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1,92 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, CTD đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty mới hoàn thành 9,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Coteccons ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.989,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 182,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 60,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.460,4 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu CTD giảm 100 đồng về 35.100 đồng/cp.

Đầu tư công là điểm sáng trong động lực tăng trưởng của Coteccons năm 2023

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, năm 2023, Coteccons sẽ còn đối mặt nhiều thách thức khi ngành bất động sản dân dụng gặp nhiều khó khăn, tính cạnh tranh cao của ngành xây dựng và chất lượng các khoản phải thu khi công ty liên tục phải trích lập các khoản nợ phải thu khó đòi. Cũng theo KBSV, điểm sáng đối với hoạt động của công ty trong năm 2023 là đầu tư công được đẩy mạnh.

Trong 3 quý đầu năm 2022, Coteccons đã trúng thầu một loạt dự án cao cấp có vốn đầu tư lớn như tòa Ecopark CT06, Diamond Crown của Doji Land, Nhà máy Lego… Giá trị backlog mới của Coteccons (không tính các hợp đồng MOU và không thực hiện) đạt 17.700 tỷ đồng. KBSV kỳ vọng, giá trị backlog mới sẽ giúp kết quả kinh doanh của Coteccons từ năm 2023 hồi phục sau khi đã trích lập đáng kể các khoản phải thu tồn đọng.

Do đó, KBSV kỳ vọng dự báo doanh thu năm 2023 đạt 12.342 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng cũng hồi phục so với dự báo lỗ cho năm 2022, đạt 28 tỷ đồng.

Đối với đầu tư công, KBSV cho rằng đây vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 275.900 tỷ đồng, bằng 52,5% kế hoạch năm.

Theo Chứng khoán Shinhan, nhóm ngành xây dựng và nhóm vật liệu xây dựng là hai nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng. Chủ yếu bao gồm các công ty cung cấp vật liệu xây dựng (Hoà Phát, Vicem Hà Tiên, Hoà dầu Petrolimex...), các công ty trực tiếp thi công các dự án hạ tầng xây dựng (Hoà Bình, Coteccons, Vinaconex...).

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức dự báo đạt được 65% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở kho bạc, hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.

Các động lực thúc đẩy đầu tư công cho năm 2023 bao gồm giá hàng hoá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt; năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nên thường có tỷ lệ giải ngân thấp; các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục