Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

(Banker.vn) Kiểm toán Nhà nước đã hướng dẫn, củng cố thêm một số nghiệp vụ, cung cấp nhiều thông tin cho Sở KHĐT nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý vốn đầu tư công.
Chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động Kiểm toán nhà nước phát hiện sai phạm trong quản lý rừng tại nhiều địa phương
Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
Qua kiểm toán, KTNN đã góp phần giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: N.Lộc

Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội nhấn mạnh: Thông qua công tác kiểm toán ngân sách địa phương hàng năm và kiểm toán các chuyên đề khác, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã hướng dẫn, củng cố thêm một số nghiệp vụ và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Thưa ông, Chính phủ đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch vốn của cả năm. Vậy với Hà Nội, công tác này đang được thực hiện như thế nào?

Ngay từ đầu năm 2023, TP. Hà Nội đã xác định đây là năm nhiều thách thức, khó khăn, nên đã tập trung chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Năm 2023 là năm đầu tiên UBND Thành phố đã ban hành 03 Kế hoạch giải ngân: Kế hoạch cả năm 2023 (số 66/KH-UBND ngày 02/3/2023), Kế hoạch 6 tháng đầu năm (số 94/KH-UBND ngày 20/3/2023) và Kế hoạch các tháng cuối năm 2023 (số 220/KH-UBND ngày 28/8/2023). Trong đó, mục tiêu giải ngân năm 2023 của toàn Thành phố là đạt trên 95% kế hoạch.

Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
Ông Vũ Duy Tuấn. Ảnh: N.Lộc

Để đạt được kết quả giải ngân đầu tư công theo mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Trong đó, kết quả giải ngân là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm (không đạt trên 90% kế hoạch) do nguyên nhân chủ quan.

Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội

Để thúc đẩy, nâng cao kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công, UBND Thành phố đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản quý I, II/2023, quán triệt các đơn vị tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Qua các cuộc họp giao ban, Thành phố đã phân tích, nhận diện, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án (trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên nhiên vật liệu…) và chỉ đạo kịp thời điều hành linh hoạt kế hoạch vốn: điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án dự kiến không giải ngân hết, bổ sung cho dự án có khả năng hấp thụ, giải ngân tốt.

Nhờ sự quyết liệt từ sớm, tỷ lệ giải ngân của TP. Hà Nội trong các tháng vừa qua đều cao hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 8/2023 là 42,3%. Đến ngày 20/9/2023, toàn Thành phố giải ngân được 23.469 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch Trung ương giao và 44,2% kế hoạch Thành phố giao (cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30/9/2022 của Thành phố là 36% kế hoạch năm 2022).

Để đạt được những kết quả này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, KTNN cũng đóng góp một phần quan trọng thông qua hoạt động kiểm toán. Từ kiến nghị kiểm toán của KTNN, Thành phố đã tăng cường quản lý đầu tư công, thường xuyên rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công đảm bảo hiệu quả.

Như ông đã nêu, những kết quả đạt được trong công tác quản lý đầu tư công của Thành phố thời gian qua có một phần đóng góp của KTNN qua hoạt động kiểm toán. Vậy từ những kiến nghị kiểm toán, Sở KHĐT đã có chuyển biến, thay đổi tích cực nào nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn, thưa ông?

Có thể khẳng định, hoạt động kiểm toán của KTNN là rất quan trọng đối với công tác quản lý của ngành KHĐT. Thông qua công tác kiểm toán ngân sách địa phương hàng năm và kiểm toán các chuyên đề khác, KTNN đã hướng dẫn, củng cố thêm một số nghiệp vụ và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Sở KHĐT nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian qua, Sở KHĐT luôn phối hợp chặt chẽ cùng KTNN khu vực I trong công tác kiểm toán ngân sách địa phương hàng năm và kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề liên quan đến đầu tư công. Hai bên kịp thời thông tin, trao đổi để công tác kiểm toán được thuận lợi và nâng cao nghiệp vụ quản lý tài chính, đầu tư công. Điều này đã góp phần giúp Sở KHĐT hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố quản lý đầu tư công trên địa bàn.

Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

Từ năm 2015 đến 2022, Sở KHĐT được phân công thực hiện 53 kiến nghị kiểm toán của KTNN về ngân sách. Theo kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán từ năm 2022 trở về trước, Sở KHĐT có 05 kiến nghị về ngân sách cần giải trình bổ sung kết quả thực hiện. Đến nay có 02/05 kiến nghị đã thực hiện và còn 03/05 kiến nghị đang thực hiện. Sở KHĐT phấn đấu thực hiện xong các kiến nghị này trong năm 2023.

Ông Vũ Duy Tuấn

Đặc biệt, việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán luôn được Sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Theo đó, Sở phân công 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách, chỉ đạo và phân công các phòng, ban trong Sở tổ chức thực hiện các kiến nghị kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ và giao Phòng Tổng hợp, Quy hoạch là đầu mối tổng hợp chung.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở ban hành nhiều văn bản phân công cụ thể đến từng đơn vị thuộc Sở thực hiện từng kiến nghị cụ thể; Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở KHĐT cũng thường xuyên đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong các Hội nghị giao ban hàng tuần, hàng tháng, quý của cơ quan.

Trong công tác tham mưu Thành phố triển khai xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và hàng năm, Sở KHĐT luôn tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm các kiến nghị kiểm toán liên quan đến đầu tư công như quản lý, theo dõi nợ xây dựng cơ bản, công tác giám sát đánh giá đầu tư… Qua đó, công tác quản lý đầu tư công ngày càng hoàn thiện và mang lại hiệu quả cao hơn.

Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để hiện thực hóa mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn, thưa ông?

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội đang cao hơn so với cả nước song vẫn thấp hơn so với cam kết giải ngân quý III/2023. Đồng thời, tại Kỳ họp tháng 9 vừa qua, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công sau điều chỉnh dự kiến là 57.305 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, để đạt được kết quả giải ngân cả năm trên 95%, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 (đến hết 31/01/2024) phải đạt 54.440 tỷ đồng. Như vậy, trong các tháng còn lại của năm, Thành phố phải giải ngân thêm 31.564 tỷ đồng, gấp 1,4 lần lũy kế giải ngân đến 15/9/2023.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 03 tháng cuối năm 2023 và tháng 01/2024, Thành phố đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể:

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án (gồm dự án chuyển tiếp, dự án mới) để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hàng năm theo quy định và tính sẵn sàng hấp thụ vốn của các dự án.

Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
TP. Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, gắn với thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Thứ hai là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án như các vướng mắc về: giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy, thanh lý tài sản... và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài trước khi thực hiện thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Thứ ba là, thực hiện phân cấp, ủy quyền trong đầu tư hiệu quả. Theo đó, các sở chuyên ngành tăng cường thực hiện phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt trong điều kiện được Thành ủy phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và giao làm chủ đầu tư nhiều dự án cấp Thành phố.

Thứ tư, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu từ đất đảm bảo khả năng cân đối ngân sách cấp huyện. Đồng thời, rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm chậm triển khai, chậm giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn, các dự án sử dụng nguồn thu từ đất nhưng hiện chưa có nguồn vốn để bố trí…

Thứ năm, Thành phố tiếp tục rà soát tổng thể việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và các dự án trường trung học phổ thông theo phân cấp, báo cáo, đề xuất, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố phương án giải quyết để báo cáo Thành ủy xem xét, quyết định.

Trân trọng cảm ơn ông!

baokiemtoan.vn

Theo: Báo Công Thương