Cụ thể, ngày 24/11, bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch HĐQT AgriS đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SBT. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức 100% khớp lệnh từ 29/11 đến 28/12.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà My đang nắm giữ 100.137.492 cổ phiếu SBT, tương đương 15,39% vốn cổ phần. Nếu thực hiện mua thành công toàn bộ 5 triệu cổ phiếu đã đăng ký, bà My sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 105.137.492 cổ phiếu, tương ứng 16,15%.
Bà Đặng Huỳnh Ức My |
Được biết, tại ĐHCĐ thường niên 2021-2022 của SBT diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, bà My cũng đã từng khẳng định: "Bản thân tôi sẽ cân nhắc tham gia thêm nữa vào cổ phiếu SBT thời gian tới" khi đề cập đến tình hình diễn biến giá cổ phiếu của SBT.
Bà chia sẻ: "Thời gian qua thị trường chứng khoán biến động mạnh, áp lực chung cùng nhiều rào cản đã ảnh hưởng đến cổ phiếu SBT, giai đoạn sắp tới khi thị trường ổn định hơn thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn, các bạn sẽ gặt trái ngọt vượt ngoài mong đợi chứ không phải những kết quả thường thường vẫn có".
Trước đó, bà Huỳnh Bích Ngọc (mẹ đẻ bà Đặng Huỳnh Ức My) – Chủ tịch HĐQT AgriS đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 28/11/2022 đến 27/12/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Ngọc đang nắm giữ 69.724.473 cổ phiếu SBT, tương đương 10,71% vốn cổ phần. Nếu thực hiện mua thành công toàn bộ 2 triệu cổ phiếu đã đăng ký, bà Ngọc sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 71.724.473 cổ phiếu, tương ứng 11,02%.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Mạnh Tiến – Thành viên độc lập HĐQT cũng đồng thời đăng ký mua vào 800.000 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh cũng từ 28/11 đến 27/12. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Tiến đang nắm giữ 1.575.000 cổ phiếu, tương ứng 0,24%. Nếu thực hiện mua thành công 800.000 cổ phiếu đã đăng ký, ông Tiến sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 2.375.000 cổ phiếu, tương ứng 0,36%.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của SBT liên tiếp đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu SBT được xem là một hành động cam kết đồng hành cùng cổ đông và sự quyết tâm gắn bó lâu dài của các thành viên Hội động quản trị, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của công ty và chia sẻ thành quả với các bên liên quan.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/11, giá cổ phiếu này giảm 4,30% xuống còn 11.000 đồng/cp, tạm tính mức giá này, Ban lãnh đạo sẽ chi gần 86 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu nói trên.
Diễn biến giá cổ phiếu SBT. Nguồn TradingView |
Về kết quả kinh doanh, AgriS cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1(1/7-30/9) với kết quả tích cực khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 31% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ, tăng 34% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng 80%, kênh công nghiệp B2B tăng 44% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Mới đây, ngày 21/11 vừa qua SBT thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7% (100 cổ phiếu được nhận 07 cổ phiếu mới). Theo đó, SBT sẽ phát hành 44.040.562 cổ phiếu và số cổ phiếu trả cổ tức niên độ 2020-2021 bằng cổ phiếu không bao gồm 21.611.333 cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021-2022 của SBT được tổ chức vào 28/10/2022, bà Huỳnh Bích Ngọc từng chia sẻ: "Trong khó khăn hiện nay thì nông nghiệp được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế, có chiến tranh thì vẫn phải ăn, và hạt đường cũng được xem là nhu yếu phẩm", bà Ngọc nhấn mạnh với cổ đông, nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng bền vững của việc đầu tư vào cổ phiếu SBT.
Trước những diễn biến bất thường của TTCK, cổ phiếu SBT cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chung và phản ánh không đúng giá trị nội tại của công ty. Việc mua vào cổ phiếu SBT thời điểm này khẳng định niềm tin mạnh mẽ của Ban lãnh đạo SBT vào triển vọng phát triển của công ty trong tương lai.
Theo nhận định từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), SBT là công ty dẫn đầu thị trường trong ngành mía đường Việt Nam với khoảng 46% thị phần. Đường và các phụ phẩm từ đường đóng góp doanh thu lớn nhất với 94,5%, tiếp theo là phân bón (1,1%), điện (0,7%) và các ngành khác (3,7%). Lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2021/2022 đạt 1,0 nghìn tỷ đồng - cao nhất kể từ khi SBT thành lập.
Cũng theo VCSC, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ đường nhập khẩu, SBT ghi nhận sản lượng đường bán ra hơn 1 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022.
Bên cạnh đó, SBT đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2022/2023 giảm 19% YoY - tương đương 850 tỷ đồng. Theo SBT, kế hoạch khá thận trọng này được dự báo trên sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đường Việt Nam hiện tại.
Trong năm tài chính 2022/2023, VCSC kỳ vọng SBT sẽ được hưởng lợi từ (1) các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác và (2) giá đường trong nước cao hơn trong năm 2022.
Trong dài hạn, VCSC ước tính biên lợi nhuận gộp của SBT sẽ cải thiện nhờ (1) việc mở rộng mạnh mẽ diện tích nuôi trồng mía của công ty và (2) kế hoạch tập trung hơn vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Khánh Vân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|