Công bố kết quả nghiên cứu xây dựng 2 bộ tiêu chí về đầu tư trực tiếp nước ngoài

(Banker.vn) 2 bộ tiêu chí liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và văn bản pháp luật liên quan.
Chuyên gia WB: “Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài” Công nghiệp chế biến chế tạo: Điểm sáng trong bức tranh FDI Doanh nghiệp FDI than mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hành chính

Chiều 23/5/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu xây dựng hai bộ tiêu chí: Tiêu chí về thẩm định dự án FDI thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và Tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.

Công bố kết quả nghiên cứu xây dựng 2 bộ tiêu chí về đầu tư trực tiếp nước ngoài
Các chuyên gia đánh giá, bộ tiêu chí có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Được biết, để xây dựng hai bộ tiêu chí nói trên, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan chức năng các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh và xin ý kiến góp ý của nhiều tỉnh, thành phố khác. ISC cũng đã tổ chức 3 hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến chuyên gia các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.

TS. Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế cho biết: Các tiêu chí được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp với tham vấn chuyên gia. Bộ tiêu chí có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, không chỉ là tài liệu tham khảo hết sức hữu ích đối với lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành, bộ tiêu chí còn là tài liệu có giá trị trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh khi thực thi nhiệm vụ, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ tiêu chí thẩm định Đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn cấp tỉnh cung cấp công cụ hữu hiệu để chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai là tỉnh miền núi, gặp nhiều khó khăn trong thu hút FDI, nhất là các dự án FDI lớn, có chất lượng cao. Trên cơ sở đó, địa phương mong muốn sớm có bộ tiêu chí về FDI để đưa vào thực hiện, giúp địa phương có cơ sở đánh giá và thu hút được các dự án FDI chất lượng cao, tạo ra giá trị kinh tế - xã hội tích cực.

Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD.
Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã thu hút được 478 tỷ USD vốn FDI thông qua 40.110 dự án đầu tư đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Theo TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế: Sau 35 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế nước ta. Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã thu hút được 478 tỷ USD vốn FDI thông qua 40.110 dự án đầu tư đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khu vực FDI đã phát triển nhanh và đạt được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.

Nhằm hạn chế những tồn tại của khu vực FDI, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra yêu cầu “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài, trong đó có nội dung quan trọng là “chủ động nâng cao chất lượng thu hút và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương, để trở thành một trong các thước đo đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời là chỉ số đánh giá, xếp hạng hiệu quả đầu tư nước ngoài tại các địa phương”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cosimo Thawley, Tham tán công sứ - Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á Bộ Ngân khố Úc, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ISC và tin tưởng rằng, hai bộ tiêu chí về FDI mà ISC đề xuất sẽ là các công cụ hữu ích hỗ trợ lãnh đạo và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi nhiệm vụ tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài ở các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương