Công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững

(Banker.vn) Sáng 15/3, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) tổ chức sự kiện công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững “Drive Innovation for Impact”.
Phát triển bền vững Hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam

Cụ thể, impactUP [impactup.site] nền tảng đào tạo, ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp xã hội. impactUP giải quyết “nỗi đau” liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực kinh doanh xã hội. impactUP có các chương trình đào tạo dành riêng cho các bạn thanh niên, sinh viên và doanh nhân khởi nghiệp xã hội. Đồng thời impactUP cũng cung cấp chương trình ươm tạo khởi nghiệp xã hội cho đối tượng thanh niên và chương trình tăng tốc kinh doanh cho các doanh nghiệp tạo tác động đến giai đoạn sẵn sàng gọi vốn.

Công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững “Drive Innovation for Impact”.
Công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững “Drive Innovation for Impact”.

iMapVietnam [imapvietnam.org], nền tảng xác thực doanh nghiệp và đo lường tác động cho các doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. iMap giúp cho doanh nghiệp được kết nối với người tiêu dùng quan tâm đến sử dụng sản phẩm dịch vụ có trách nhiệm, đồng thời kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng.

V.innovate [vinnovate.vn], nền tảng đánh giá hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp và tác động xã hội cho các trường đại học và các địa phương. Đây là nền tảng mới nhất mà IID phát triển cống hiến cho hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp tạo tác động Việt Nam. Các bộ chỉ tiêu của V.innovate có thể giúp người dùng tự đánh giá, định vị các trường đại học, mức độ phát triển của hệ thống doanh nghiệp địa phương trên các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng – Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển – cho hay, thách thức lớn nhất của khu vực sáng tạo xã hội, kinh doanh tạo tác động là thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội và nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng, tiếp cận thị trường sản phẩm và thị trường vốn, cũng như thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ. Do đó, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam khi cùng lúc công bố 3 nền tảng số do IID phát triển và vận hành.

Khẳng định sự cần thiết trong việc ra đời 3 nền tảng số nêu trên, ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo quốc gia – cho hay, các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động đang là xu hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung. Việc ra đời 3 nền tảng này là sự kiện rất quan trọng, giúp tập trung được các nguồn lực để hỗ trợ và tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động. Đồng thời, là chìa khóa để giải quyết các vướng mắc về đầu vào và đầu ra cho các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, ông Đàm Quang Thắng cũng cho rằng, việc xây dựng nền tảng thì dễ nhưng vấn đề ai sẽ là người tham gia nền tảng. Đây là vấn đề rất khó có lời giải và rất cần có hoạt động đủ mạnh để kéo hết các cấu phần của hệ sinh thái, cộng đồng tham gia. Việc này cần có thời gian đủ dài cũng như nguồn lực đủ lớn. “Nền tảng được ví như chúng ta xây dựng một cái chợ. Chợ xây xong thì phải có người vào kinh doanh và hoạt động bán mua. Do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao về năng lực, về ý thức, sự kết nối xã hội để nền tảng thu hút được nhiều người tham gia và nhận được những lợi ích về mặt tài chính hay xã hội”, ông Đàm Tiến Thắng nói.

Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới – cho hay, việc thực hiện đổi mới và sáng tạo không dễ, vì cái mà mình nghĩ ra tưởng mới nhưng không phải vì thế giới đã làm hết rồi. “Tôi gặp tập đoàn của Mỹ, chỉ có 10% bằng phát sinh sáng chế được ứng dụng được vào thực tiễn, còn 90% bỏ trong két, vì nếu áp dụng thì phải bỏ toàn bộ hệ thống sản xuất cũ. Những nước đi sau như chúng ta bỏ khó lắm, tìm kiếm đổi mới cái người ta đã có thì không được”, ông Võ Đại Lược chia sẻ và cho rằng, bên cạnh việc xem trọng đổi mới sáng tạo thì cần phải nghĩ cách nuôi dưỡng chúng.

Ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – đánh giá, doanh nghiệp xã hội khi họ kinh doanh thành công, họ sẽ chia sẻ các cách thức và kinh nghiệm thành công của họ cho người khác. Bởi họ nhận thấy rằng, sức lực của họ là có hạn, càng nhiều người tham gia và nhân rộng thì càng hay. Kinh nghiệm chia sẻ kết nối thông qua các nền tảng nêu trên sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp xã hội.

Trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra lễ công bố ra mắt cuốn sách dịch "Tối đa hoá tác động xã hội: sách hướng dẫn cho doanh nhân xã hội".

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương